Thủ tướng đề xuất lập Quỹ phòng chống Covid-19, Quỹ an sinh xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - "Theo quy định hiện hành, mỗi lần có sự việc khẩn cấp, việc sử dụng tiền ngân sách gặp nhiều thủ tục hành chính. Việc thành lập các quỹ này sẽ giúp chủ động hơn trong sử dụng, song phải bàn và thống nhất cụ thể", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Trả lời chất vấn của đại biểu về mối quan tâm những tháng cuối năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới chương trình phục hồi kinh tế, cho đây là quyết sách mang tính đột phá.

Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tích cực xây dựng đề án theo một số định hướng. Đầu tiên là nâng cao năng lực y tế, trong đó có y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn sáng 12-11

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn sáng 12-11

Một vấn đề khác là phải xây dựng quỹ cho phòng chống dịch và quỹ an sinh xã hội. Theo quy định hiện hành, mỗi lần có sự việc khẩn cấp, việc sử dụng tiền ngân sách gặp nhiều thủ tục hành chính.

"Việc thành lập các quỹ này sẽ giúp chủ động hơn trong sử dụng, song vấn đề này phải bàn và thống nhất cụ thể", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cho biết cử tri đánh giá cao kết quả chuyến công du của Thủ tướng dự Hội nghị nghị COP26 tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) đề nghị người đứng đầu Chính phủ nêu giải pháp đột phá thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch.

Giải đáp câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của đầu tư FDI có tính chất đột phá và quan trọng. Trong đầu tư FDI, cần lưu ý đến các yếu tố như vốn, công nghệ, quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Các giải pháp thu hút đầu tư đã được một số bộ trưởng trả lời chất vấn trước đó giải đáp rõ, song Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp đột phá trước hết là hành lang pháp lý. Theo ông, mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam là yếu tố ổn định chính trị, họ bỏ ra số vốn rất lớn và họ muốn an tâm đầu tư lâu dài.

Bên cạnh ổn định chính trị, một yếu tố quan trọng khác trong thu hút FDI là con người. Người đứng đầu Chính phủ tái khẳng định quan điểm "không hy sinh công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần".

Tham gia chất vấn, đại biểu Khuất Việt Dũng (Hà Nội) cho biết hai dự án khu công nghệ cao và dự án xây dựng Đại học quốc gia tại Hoà Lạc (Hà Nội) sau 2 thập kỷ, kết quả thực hiện thua xa kỳ vọng khiến cử tri và nhân dân hoài nghi về tính khả thi, đề nghị Thủ tướng nêu chủ trương, giải pháp của Chính phủ để đưa các dự án trên về đích.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây cũng là vấn đề ông trăn trở.

Trước đây giao hai dự án công nghệ cao Hoà Lạc cho Bộ KH-CN là đúng, nhưng nay, từ kinh nghiệm của TP.HCM và một số quốc gia, nên nghiên cứu giao cho Hà Nội sẽ khả thi hơn và phía Hà Nội cũng đã đề xuất vấn đề này.

Còn dự án xây dựng Đại học quốc gia, Thủ tướng cho rằng phải tập trung cho giải phóng mặt bằng, đồng thời hiện đã bố trí vốn 2.000-3.000 tỉ đồng cho dự án này.

"Các thành viên Chính phủ trả lời nghiêm túc, không né tránh"

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ, trách nhiệm cao và với tinh thần đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khoá XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn

Trong 2,5 ngày chất vấn, có 170 lượt ý kiến, trong đó 134 lượt đại biểu đặt câu hỏi và tranh luận. Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ đã tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm.

“Phiên chất vấn có những đổi mới so với trước đây, song các đại biểu đã nắm chắc thực tiễn, tinh thần trách nhiệm cao, đặt câu hỏi bám sát vấn đề, đặc biệt tranh luận để làm rõ thêm vấn đề, thẳng thắn chỉ ra hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm cũng như đề xuất giải pháp khắc phục. Qua đó gợi ý, bổ sung giải pháp để Chính phủ, bộ ngành có quyết sách phù hợp hơn trong quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin, mong mỏi của người dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời ghi nhận các thành viên Chính phủ trả lời nghiêm túc, không né tránh vấn đề khó, phức tạp và nhận trách nhiệm về hạn chế của ngành, đưa ra cam kết khắc phục.