Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Sẵn sàng các phương án cứu dân với tinh thần không được để dân đói, dân rét, màn trời chiếu đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 19-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo tình hình và hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục với các phương án sẵn sàng hơn nữa để cứu dân với tinh thần “không được để dân đói, không được để dân rét, màn trời chiếu đất”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, ngày 19-10

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, ngày 19-10

Ngập lụt trên phạm vi rộng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong vòng 30 ngày (từ giữa tháng 9 đến nay), 8 tỉnh, thành phố miền Trung (từ Nghệ An đến Quảng Ngãi) đã liên tiếp chịu ảnh hưởng của 8 loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất) do 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, kết hợp với các hình thế thời tiết cực đoan khác, đã gây 2 đợt mưa lớn kéo dài.

Lũ lớn xuất hiện trên 14 tuyến sông chính, trong đó có 4 tuyến sông, lũ đã vượt mức lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng. Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng (bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến tất cả các tuyến từ ngoài Biển Đông đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trong thời gian dài.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong 2 tuần qua xảy ra 2 đợt mưa lớn chưa từng thấy.

Tình hình ngập lụt trên phạm vi rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12-10 và 18-10 có 260.322 hộ bị ngập tại 6 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Mưa lũ làm 127 người chết và mất tích. “Thiệt hại về các thiết chế hạ tầng rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Hiện 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đang mưa lớn. Do đó, cần tập trung công tác chỉ đạo, nhất là hồ chứa đã vượt ngưỡng bình thường, không để xảy ra sự cố, phương án sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập trũng nguy hiểm.

Theo dự báo, mưa lũ còn kéo dài và đang mở rộng ra phía bắc. Ngoài ra, hiện nay đã hình thành áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông và theo thông tin từ một số đài, cơ quan quốc tế và khu vực, vào cuối tuần này bão gây mưa lũ lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh khu vực miền Trung.

Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam có văn bản đề xuất hỗ trợ khẩn cấp 10.000 tấn gạo, trong đó, đợt 1: Quảng Bình 3.000 tấn, Quảng Trị 1.000 tấn, Thừa Thiên - Huế 1.000 tấn, Quảng Nam 1.000 tấn; đợt 2 (vào sáng 19-10): 4.000 tấn gạo (Quảng Trị: 2.000 tấn, Thừa Thiên - Huế: 1.000 tấn, Quảng Nam: 1.000 tấn). Sau khi kết thúc đợt mưa lũ lịch sử, các tỉnh sẽ tiếp tục rà soát thống kê thiệt hại và đề xuất nhu cầu.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết chế độ chính sách cho các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, theo đó, Quân đội đề nghị và được Đảng, Nhà nước đồng ý truy thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng cho đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu, người đã hy sinh cùng các đồng đội khác khi trên đường làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam có sự truy thăng này.

Tích cực chỉ đạo cứu hộ cứu nạn nhưng phải bảo đảm an toàn

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ những mất mát, hy sinh rất lớn của đồng bào miền Trung, đặc biệt là những người bị nạn trong từng gia đình, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc của các lực lượng ở Trung ương và địa phương trong phòng, chống, khắc phục, nhất là lực lượng quân đội, các ngành chức năng như là nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, đặc biệt giao thông vận tải…; đồng thời biểu dương các lực lượng chức năng đã xông pha, không ngại hiểm nguy để cứu lấy sinh mạng, tài sản của nhân dân với nhiều tấm gương dũng cảm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục với các phương án sẵn sàng hơn nữa để cứu dân với tinh thần “không được để dân đói, không được để dân rét, màn trời chiếu đất”.

Tích cực chỉ đạo cứu hộ cứu nạn nhưng phải bảo đảm an toàn. Ngành tài nguyên và môi trường và Đài Khí tượng thủy văn Trung ương làm tốt hơn nữa công tác dự báo để các cấp, các ngành quán triệt tinh thần “4 tại chỗ” là chính. Các lực lượng của Trung ương và địa phương sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Hệ thống chính trị vào cuộc, bao gồm các lực lượng thanh niên, phụ nữ; tiếp tục hỗ trợ đồng bào với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Cho biết về kết quả Chương trình “Chung tay vì người nghèo” vào tối 17-10 (nhận được 2.400 tỷ đồng quyên góp), Thủ tướng bày tỏ, “tấm lòng của đồng bào ta rất vĩ đại”.

Trong công tác chỉ đạo, cần tập trung bảo đảm an toàn hồ đập, không để xảy ra vỡ hồ chứa, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du. “Lực lượng quân đội và các lực lượng chức năng sẵn sàng hơn nữa với những phương án phù hợp, bằng các phương tiện cần thiết để cứu dân, xử lý vấn đề đặt ra như vừa qua các đồng chí đã làm”, Thủ tướng nói.

Tán thành với đề xuất của Bộ NN&PTNT, ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đồng ý trước mắt, xuất cấp cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, “ yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay, kịp thời và phân phối trực tiếp đến người dân đúng đối tượng, không để chậm trễ”.

Về đề nghị hỗ trợ lương khô của các tỉnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo xử lý kịp thời, trường hợp cần thiết thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp bổ sung cho Bộ Quốc phòng sau.

Nhấn mạnh tinh thần không để dịch bệnh xảy ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị sẵn cơ số thuốc dự phòng, hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh an toàn sau lũ. Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính quyết định xuất cấp phương tiện, trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn.

Về hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, khắc phục cơ sở hạ tầng, Thủ tướng chấp nhận đề nghị trước mắt hỗ trợ mỗi tỉnh 100 tỷ đồng (gồm Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh).

Thủ tướng một lần nữa lưu ý, có kịch bản chi tiết nhất đối với các hồ chứa và các phương án cứu trợ để bảo đảm an toàn tuyệt cho vùng hạ du. “Tôi đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo, bám sát dân. Các cấp, các ngành bám vào chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp với các địa phương giải quyết tốt, hỗ trợ các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Không lơ là, mất cảnh giác để dịch lây lan, bùng phát trở lại

Cũng trong chiều 19-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, Thủ tướng lưu ý nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực khi Thủ đô nhiều nước gặp tình trạng lây lan dịch ra cộng đồng những ngày qua và mùa đông cận kề, một mùa đông khắc nghiệt sẽ tạo thuận lợi cho dịch Covid-19 lây lan rộng. Vì vậy, tinh thần quan trọng mà Thủ tướng nhấn mạnh là không được chủ quan trong mọi trường hợp, mọi cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm cao, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và mọi người dân một lần nữa nhận thức rõ hơn nguy cơ dịch bệnh, không lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh. Cần nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại. Quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.

Phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt “Thông điệp 5K”, nhất là đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn. Thực hiện các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch. Quản lý tốt các cơ sở cách ly, nhập cảnh lưu trú tại các cơ sở lưu trú có thu phí, không để xảy ra mất an toàn.

“Người đứng đầu từng địa phương, từng cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về vấn đề phòng, chống dịch” - Thủ tướng nêu rõ - “Chúng ta rà lại xem các cơ sở của chúng ta, nhất là cơ sở sản xuất đã có những giải pháp nào chấm điểm an toàn hay chưa?”

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp nhập cảnh trái phép, xử lý nghiêm các tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép. Các đơn vị có liên quan yêu cầu người nhập cảnh ngắn ngày hạn chế tham gia sử dụng các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, lễ hội, các dịch vụ công cộng nói chung.

Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương đối với TP Hà Nội, TP.HCM là phải đeo khẩu trang ở đám đông, ngoài đường phố, ở phương tiện công cộng và “tất cả các địa phương đều phải được phổ biến những thông tin cần thiết phòng chống dịch bệnh, trước hết là khi đi ra ngoài đeo khẩu trang như thế nào, rửa tay sát khuẩn khi tiếp xúc như thế nào...”.

Những vùng bị bão lũ, thiên tai, thì thường gặp những bệnh truyền nhiễm sau lũ, nhất là dịch tả, cho nên, ngành Y tế phải có chỉ đạo để bảo đảm tính sẵn có về xét nghiệm Covid-19 ở vùng này, không được để “thảm họa kép” xảy ra, đủ năng lực ứng phó không chỉ Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác ảnh hưởng đến sức khỏe người dân…

Thư Kỳ