Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nhìn nhận 8 hạn chế

ANTĐ - Dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ công tác vừa qua (2011-2016), nền kinh tế xã hội nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Dù vậy, vẫn còn đến 8 hạn chế, yếu kém được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn chỉ ra khi báo cáo trước Quốc hội sáng nay, 22-3. 

Dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ công tác vừa qua (2011-2016), nền kinh tế xã hội nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Dù vậy, vẫn còn đến 8 hạn chế, yếu kém được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn chỉ ra khi báo cáo trước Quốc hội sáng nay, 22-3.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội sáng nay, 22-3

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nhiệm kỳ 2011 – 2016, kế thừa những thành quả to lớn và kinh nghiệm quý báu của 25 năm đổi mới, đồng thời cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ đã trình Chương trình hành động giai đoạn này và được Trung ương Đảng, Quốc hội quyết định điều chỉnh kịp thời, phù hợp mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với 637 đề án lớn và được cụ thể hóa thành hơn 2.600 đề án thành phần. Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung thực hiện đạt những kết quả các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Nhiệm kỳ qua Chính phủ đã trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 95 luật, pháp lệnh, chiếm 86% tổng số luật, pháp lệnh được ban hành (chưa tính 7 dự án luật được trình thông qua tại kỳ họp này). Nợ đọng văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm mạnh, năm 2015 chỉ còn nợ 4 văn bản, thấp nhất trong nhiệm kỳ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã trình và được Quốc hội phê chuẩn cơ cấu tổ chức với 22 bộ, cơ quan ngang bộ; không thành lập mới và đã giảm 1 tổng cục so với đầu nhiệm kỳ; đồng thời khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành.

Ở nhiệm kỳ 2011-2016, việc luân chuyển cán bộ, tinh giản biên chế tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường thực hiện. Tổng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên trong nhiệm kỳ giảm được 4.131 biên chế. Thu gọn đầu mối, tăng cường quản lý số người làm việc và triển khai thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng đó, Chính phủ tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong 5 năm, đã đơn giản hóa 4.471 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 94,7%...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện cùng các ĐBQH bên
hành lang Quốc hội

Một dấu ấn nổi bật khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ qua là đã chỉ đạo, điều hành và đạt được nhiều thành tựu về lĩnh vực quản lý công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Trong đó, đã tập trung chỉ đạo nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; đưa quan hệ với các nước, các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả…., góp phần đưa vị thế Việt Nam nâng cao trên trường quốc tế.

Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ lập trường và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, được đồng bào ta trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ. Thủ tướng Chính phủ cũng chủ động chỉ đạo chuẩn bị các đề án và đã báo cáo đề nghị đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế...

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thẳng thắn chỉ ra 8 hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ qua. Trong đó, về lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ở nhiệm kỳ qua, năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội còn chưa phù hợp.

Một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời. Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn...

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa thật tinh gọn, hiệu quả, chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chồng chéo, chưa đủ cụ thể, chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Việc lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo có lúc có nơi chưa được quan tâm đúng mức…

Những hạn chế, yếu kém nói trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực có phần đóng góp và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.