Thủ tục nhập hộ khẩu cho vợ theo chồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi làm thủ tục nhập khẩu cho vợ, nhưng theo hướng dẫn của cán bộ cơ sở, điều kiện đủ là phải có sự đồng ý của tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu và “sổ đỏ”. Nếu người có tên trong các giấy tờ trên đã mất thì phải có sự đồng ý của những người thuộc diện thừa kế. Xin hỏi, quy định cụ thể về việc nhập khẩu như thế nào? Với trường hợp của tôi sẽ tiến hành ra sao? Có cần xác nhận của những người thuộc diện thừa kế không? Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh. Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh. Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Theo khoản 2, Điều 20 - Luật Cư trú năm 2020, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong trường hợp vợ về ở với chồng và một số trường hợp khác.

Như vậy, vợ nhập hộ khẩu về với chồng cần đáp ứng đồng thời các điều kiện là chủ hộ nơi vợ định nhập khẩu về đồng ý cho nhập hộ khẩu và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho nhập hộ khẩu.

Chỗ ở hợp pháp theo khoản 1, Điều 2 - Luật Cư trú 2020 được hiểu là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật. Điều 5, Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29-6-2021 hướng dẫn Luật Cư trú liệt kê các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp như: Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở); Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong); Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm…

Nếu một trong các chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đã chết thì phải có sự đồng ý của các đồng thừa kế, bởi lẽ khi đó người thừa kế sẽ trở thành chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp vì theo quy định tại Điều 614 - Bộ luật dân sự 2015 kể từ thời điểm mở thừa kế (Là thời điểm chủ sở hữu hợp pháp chết), những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Theo đó, việc hướng dẫn của cán bộ cơ sở đối với trường hợp của bạn là chính xác.

Người dân nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan công an quản lý cư trú để làm thủ tục nhập khẩu

Người dân nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan công an quản lý cư trú để làm thủ tục nhập khẩu

Có thể nhiều người cho rằng tại sao lại “loằng ngoằng” như vậy. Tuy nhiên, pháp luật quy định như thế để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người thừa kế vì ngay khi chủ sở hữu nhà đất, tàu, thuyền chết thì người thừa kế đã mặc nhiên có quyền sở hữu, sử dụng đối với nhà đất, tàu, thuyền của người chết để lại.

Ví dụ: Ông A đứng tên trong “sổ đỏ” căn nhà, còn bà B đứng tên chủ hộ khẩu địa chỉ căn nhà đó. Bạn định nhập hộ khẩu cho vợ bạn về đây thì phải có sự đồng ý của cả ông A lẫn bà B. Giả sử ông A chết mà ông A có con là C, D thì bạn phải có sự đồng ý của C và D.

Về thủ tục đăng ký thường trú khi vợ nhập khẩu về ở với chồng, theo quy định tại khoản 2 Điều 21, Điều 22 - Luật Cư trú 2020, hồ sơ cần chuẩn bị gồm có: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản; Giấy chứng nhận kết hôn trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Khi có đủ hồ sơ nêu trên, bạn đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú của bạn, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Lưu ý: nếu vợ chồng bạn chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.