Thủ tục để được nuôi con khi vợ cũ bỏ ra nước ngoài sinh sống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Năm 2019, vợ chồng tôi ly hôn. Tôi nuôi cháu lớn 4 tuổi, vợ tôi nuôi cháu nhỏ 2 tuổi. Năm 2020, vợ cũ tôi ra nước ngoài sinh sống và để lại con tôi ở với ông bà ngoại tại Bắc Giang. Hiện tôi hoàn toàn không có thông tin gì về người vợ cũ này. Thương con côi cút, gần đây, tôi liên tục đề nghị được đón cháu nhỏ về nuôi dưỡng và để 3 bố con được đoàn tụ với nhau. Thế nhưng phía gia đình vợ cũ tôi nhất quyết không đồng ý. Ngay cả dịp Tết vừa qua, tôi muốn đón con về mấy ngày nhưng ông bà ngoại cháu quyết liệt ngăn cản. Xin hỏi luật sư, tôi phải làm thế nào để được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con của mình? Lê Văn Quân (Hà Nội)
Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, sau khi vợ chồng ly hôn thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, thăm nuôi con, thay đổi quyền nuôi con được thực hiện theo Điều 81.

Cụ thể, điều luật này quy định: “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Về nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Luật Hôn nhân và gia đình cũng đã quy định rõ: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi dưỡng. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở (Điều 82).

Tương tự, pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Theo đó, cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Người có hành vi cản trở quyền thăm nuôi con sau ly hôn sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật (Ảnh minh họa)

Người có hành vi cản trở quyền thăm nuôi con sau ly hôn sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật (Ảnh minh họa)

Như vậy khi bạn không là người trực tiếp nuôi con và khi bạn thực hiện quyền nghĩa vụ của mình mà không ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, học tập, cuộc sống riêng của con mà bạn vẫn bị cản trở việc thăm con thì có quyền làm đơn tố cáo hành vi của người cản trở bạn tới cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân để cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi của người vi phạm, cản trở bạn.

Người có hành vi cản trở quyền thăm nuôi con sau khi ly hôn sẽ bị xử phạt vi phạm theo Điều 53, Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau”.

Và để được tòa án giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn thì cần phải có một trong các căn cứ là: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Về giấy tờ, thủ tục yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, bạn cần phải có: Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; Bản án ly hôn; Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao có chứng thực); Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực) và các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Người có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con phải gửi hồ sơ tới Tòa án nhân dân quận/huyện, nơi người đang trực tiếp nuôi con cư trú hoặc làm việc. Tuy nhiên, đối với trường hợp của bạn, do vợ cũ bạn đang ở nước ngoài nên bạn cần gửi hồ sơ đến toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để được giải quyết.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.