Thủ tục công trực tuyến lĩnh vực vận tải: Cái nhanh cái chậm, doanh nghiệp gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Doanh nghiệp đưa phương tiện đi đăng kiểm phải mất 5 ngày, hồ sơ mới được cập nhật lên hệ thống mạng, khi đó, Sở GTVT mới có thể dựa vào hồ sơ này để cấp Giấy phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp, còn nếu muốn làm ngay thì doanh nghiệp vẫn phải nộp giấy tờ thủ công.

Vướng mắc phát sinh từ chủ trương chính sách

Sáng nay, 30/11, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện đối thoại với các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội để giải đáp vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC).

Nổi bật trong cuộc đối thoại sáng 30/11 là nội dung liên quan đến việc đổi BKS xe kinh doanh vận tải từ màu trắng sang màu vàng theo quy định và cấp lại đăng ký kinh doanh vận tải.

Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, hiện nay, Sở đang thực hiện tiếp nhận và giải quyết 93 TTHC, gồm 59 TTHC lĩnh vực đường bộ, 29 TTHC lĩnh vực đường thủy nội địa, 1 TTHC lĩnh vực đăng kiểm, 3 TTHC lĩnh vực xây dựng và 1 TTHC lĩnh vực Tài chính- Ngân hàng; Trong đó, riêng các TTHC liên quan đến doanh nghiệp vận tải là 34 TTHC.

Bà Đỗ Hương Giang, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hết tháng 11/2020, Phòng đã tiếp nhận và thụ lý 32.905 hồ sơ hành chính. Trong đó, cấp mới, cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải là 1029 giấy phép; cấp đổi phù hiệu, biển hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải là 22.460 phù hiệu; cấp Giấy phép liên vận quốc tế là 1159 giấy phép; cấp biển số xe máy chuyên dùng là 408…

Theo bà Giang, trong quá trình giải quyết TTHC, Sở GTVT nhận thấy một số hạn chế xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp chưa nghiên cứu và chấp hành các quy định khi kinh doanh vận tải.

Doanh nghiệp vẫn còn gặp vướng mắc trong việc thực hiện các TTHC liên quan lĩnh vực vận tải

Doanh nghiệp vẫn còn gặp vướng mắc trong việc thực hiện các TTHC liên quan lĩnh vực vận tải

Cụ thể như, chưa thực hiện báo cáo định kết quả kinh doanh vận tải hàng tháng, chưa tập huấn hoặc tập huấn không đúng quy định cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, chưa chấp hành đúng quy trình ATGT, chưa khám sức khỏe cho lái xe, chưa bổ sung đào tạo cho người điều hành vận tải… dẫn đến không đảm bảo đáp ứng các quy định khi giải quyết TTHC.

Tuy nhiên, cũng có những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thay đổi chính sách.

Trong đó, có thắc mắc của nhiều doanh nghiệp khi thực hiện đổi BKS từ màu trắng sang màu vàng theo quy định, liên quan đến việc thực hiện cấp lại phù hiệu và giấy phép kinh doanh vận tải.

Theo Sở GTVT Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải hay hộ kinh doanh cá thể nào gặp trục trặc về việc này thì cần có đơn kiến nghị gửi Sở GTVT Hà Nội hoặc phía CSGT nơi cấp đăng ký xe để có hướng xử lý, giải quyết kịp thời.

Mất 5 ngày để đăng kiểm cập nhật lên mạng

Đại diện Công ty CP Vận tải thiết bị Toàn Bộ cho hay, việc cập nhật hồ sơ, dữ liệu đăng kiểm của phương tiện kinh doanh vận tải lên mạng còn chậm so với tốc độ giải quyết TTHC dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp đưa phương tiện đi đăng kiểm, trong hồ sơ đăng kiểm có mục phương tiện kinh doanh vận tải và đã gắn thiết bị GPS đạt chuẩn.

Tuy nhiên, sau đó, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến lên Sở GTVT để xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, hồ sơ đăng kiểm lại chưa được cập nhật lên mạng.

“Sau khi nộp hồ sơ trực tuyến, chúng tôi lại phải mang hồ sơ đăng kiểm bản giấy đến Sở GTVT để được giải quyết”- đại diện Công ty Toàn Bộ thông tin.

Giải đáp vê việc này, bà Giang cho biết, giai đoạn trước, Sở GTVT cũng thường xuyên nhận được phản ánh của doanh nghiệp về việc này, thời gian gần đây có giảm.

“Khi chúng tôi cấp phù hiệu cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, phải căn cứ vào hồ sơ đăng kiểm vì đây là quy định của Chính phủ, Bộ GTVT.

Sở GTVT cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị phải nâng hệ thống trực tuyến của cục Đăng kiểm để cập nhật kịp thời với hệ thống dịch vụ công của Bộ.

Cục Đăng kiểm cũng có văn bản trả lời, là đang trong quá trình nâng cấp nhưng chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, trong giai đoạn quá độ sẽ còn mất ít thời gian nữa để các hệ thống trực tuyến khớp nối, vận hành nhịp nhàng”- bà Giang cho hay.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp vận tải cũng thắc mắc về việc, quy định bắt buộc lái xe phải có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ do doanh nghiệp vận tải tổ chức.

Liệu chứng chỉ này có chồng chéo với chứng nhận mà mỗi lái xe khi hoàn thành đào tạo sát hạch cấp bằng lái cũng được nhận Chứng chỉ nghề nghiệp.

Về thắc mắc này, bà Giang cho hay, đây là hai loại giấy tờ hoàn toàn khác nhau, không có sự trùng lắp hay chồng chéo.

Giấy chứng nhận hành nghề là thể hiện thái độ của doanh nghiệp đối với dịch vụ mà mình cung cấp, còn chứng chỉ nghề nghiệp thì bất kỳ ai hoàn thiện việc học, cấp bằng lái xe đều được cấp.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, sau khi thực hiện đăng kiểm phương tiện xong thì phải mất 5 ngày sau, hồ sơ mới được đăng kiểm cập nhật lên hệ thống.