Thu từ khai khoáng giảm, nhiều địa phương không đạt tiến độ thu ngân sách

ANTD.VN - Đến hết tháng 6-2017, tổng thu NSNN ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016. Tổng chi NSNN ước đạt 582,96 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2016. 

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ Tài chính trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm cho biết, nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2017 được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; thị trường tài chính, chứng khoán khởi sắc; thu hút và giải ngân vốn FDI khả quan; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; khu vực dịch vụ tăng trưởng khá...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,73%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra (6,7%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp, trong đó ngành khai khoáng giảm mạnh; giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm so với yêu cầu; ngành chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ; dịch bệnh và diễn biến phức tạp của thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Đến hết tháng 6-2017, tổng thu NSNN ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu nội địa đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4%, cơ bản sát với tăng trưởng kinh tế.

Thu ngân sách từ khai khoáng có xu hướng giảm mạnh

Do ảnh hưởng bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất - xây dựng nên tiến độ một số lĩnh vực như thủy điện, khai khoáng, sản xuất lắp ráp ô tô, điện thoại di động, chế biến thực phẩm... đạt thấp so với yêu cầu. Thu từ dầu thô đạt 60,1% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016 (do giá dầu cao hơn giá dự toán, bình quân 54,6 USD/thùng, cao hơn 4,6 USD/thùng). Thu cân đối từ XNK đạt 49,2% dự toán, tăng 22,2% so cùng kỳ năm 2016.

Trong tổng thu NSNN nêu trên, thu NSTW ước đạt 41,5% dự toán; thu NSĐP 54% dự toán. Trong đó, có 45 địa phương thu đạt từ 48% dự toán trở lên (không kể tiền sử dụng đất thì có 11 địa phương đạt trên 52%); 54 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Vẫn còn 18 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán (dưới 48%) và 9 địa phương thu đạt thấp so cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do một số ngành sản xuất công nghiệp có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như khai khoáng (dầu thô, khí thiên nhiên, than,...), thủy điện, sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất điện thoại di động, sản xuất, chế biến thực phẩm, tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi NSNN ước đạt 582,96 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2016. Cân đối NSTW và ngân sách các cấp địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo; trong đó bội chi NSTW bằng khoảng 43,5% dự toán.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai 16 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 25 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về tài chính gần 1.500 tỷ đồng. Cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra gần 36,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 23,5% so cùng kỳ năm 2016, kiến nghị thu vào ngân sách trên 7,6 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ năm 2016 (đã thực nộp vào ngân sách trên 3,4 nghìn tỷ đồng). Cơ quan Hải quan đã thực hiện gần 3,9 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, thu vào ngân sách 861 tỷ đồng...