Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Việt Nam "không ngại" TPP

ANTĐ - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khi ông vừa về Việt Nam sau chuyến đàm phán TPP thành công.

- PV: Cảm xúc của ông như thế nào khi TPP được các thành viên thỏa thuận xong, điều mà trước đó, không ai nghĩ có thể kết thúc được?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Chúng tôi cảm thấy rất vui. Sau gần 6 năm đàm phán, cuối cùng TPP đã được kết thúc toàn diện. Các bộ trưởng đã có những ngày đàm phán rất khó khăn và cuối cùng đã quyết định được tất cả các vấn đề tồn tại để kết thúc đàm phán.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

- TPP là hiệp định tiêu chuẩn rất cao, trong khi Việt Nam lại nước nghèo nhất trong các nước thành viên TPP và năng lực cạnh tranh thấp hơn rất nhiều. Vậy chúng ta có bất lợi trong TPP hay không?

Không ngại. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu như tính từ lần đầu tiên chúng ta tham gia vào ASEAN, trong hành trang của chúng ta đã có 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau đó đến năm 2000, chúng ta ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, đến năm 2006, gia nhập WTO. Và đến bây giờ, 2015, chúng ta ký hiệp định TPP. Chúng ta tự tin để bước vào hội nhập.

- Lợi ích của chúng ta là gì, thưa ông?

Lợi ích của chúng ta có nhiều. Ví dụ chúng ta có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu hơn nữa, có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ hình thành trong khu vực của TPP, có cơ hội thu hút đầu tư. Vốn nội lực là quyết định nhưng vốn đầu tư nước ngoài rất quan trọng, chúng ta có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm cơ hội cho việc làm trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình, giúp mình không bị phụ thuộc một cách quá mức vào khu vực thị trường Đông Á. 

- Vậy khó khăn lớn nhất cho mình là gì?

Khó khăn của chúng ta vẫn là sức ép cạnh tranh, tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên chúng ta hội nhập, vì vậy chúng tôi cho rằng chúng ta đủ sức để tiến vào cuộc chơi mới này.

Tuy nhiên cũng có những ngành gặp khó khăn, đặc biệt là nông nghiệp trong đó có chăn nuôi. Tôi khẳng định rằng kết quả đàm phán lúc này chưa được công bố nhưng chúng tôi khẳng định, chăn nuôi sẽ có ít nhất là 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế được hạ về 0%.

Hy vọng trong thời gian đó chúng ta sẽ nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp, làm sao cho nông nghiệp của chúng ta có sức cạnh tranh lớn hơn nữa để có thể chiến thắng ngay trên "sân nhà". Không có lý do gì chúng ta là một nước nông nghiệp chúng ta lại không chiến thắng về các sản phẩm nông nghiệp.

- Theo Thứ trưởng, cần làm gì để các doanh nghiệp  Việt Nam cạnh tranh?

Tôi rất khó trả lời câu hỏi này vì mỗi doanh nghiệp nhìn đàm phán TPP dưới một góc độ khác nhau. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp của chúng ta rất năng động, nếu như họ có tư duy đúng đắn, tư duy tiến công thì doanh nghiệp sẽ thành công.

- Các thành viên TPP kỳ vọng sẽ ký chính thức vào thời điểm nào, thưa ông?

Chúng tôi kỳ vọng chính thức ký kết hiệp định vào khoảng cuối tháng 12-2015 hoặc đầu tháng 1-2016.

- Xin cảm ơn ông!