Thu thuế thương mại điện tử: Làm thế nào để đảm bảo đúng, công bằng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều cá nhân có doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử băn khoăn về việc nộp thuế theo doanh thu liệu có phù hợp, có bị truy thu, phạt chậm nộp nếu trước đây hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của họ được áp vào một ngành nghề khác để thu thuế.

Kiểm soát dòng tiền để thu thuế

Theo cơ quan thuế, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) có 3 nhóm lớn là: Bán hàng thông qua trang mạng xã hội (bán hàng online); Có thu nhập thông qua hoạt động viết các ứng dụng, trò chơi và hưởng thu nhập từ quảng cáo qua các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube…); Các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...).

Thống kê của Cục Thuế Hà Nội, qua rà soát, thu thập thông tin, dữ liệu, cơ quan này đã xác định có hơn 1.100 cá nhân hoạt động kinh doanh phần mềm, dịch vụ điện tử, trò chơi trên mạng có tổng thu nhập trong 3 năm gần đây (2016 - 2019) là 4.800 tỷ đồng, trong đó cá nhân có thu nhập cao nhất lên đến 140 tỷ đồng.

“Chúng tôi trân trọng, đánh giá cao tài năng, trí tuệ của các cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT đã, đang mang lại thu nhập cho chính mình và làm giàu cho đất nước. Đồng thời, khuyến cáo các cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động này cần thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế theo các quy định của pháp luật Việt Nam để tránh bị xử phạt”- ông Viên Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội nói.

Thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp với các ngân hàng để rà soát các tài khoản chuyển tiền của các đơn vị nhà thầu nước ngoài (Google, Apple, Booking, Agoda…), từ đó tra soát các tổ chức, cá nhân nhận tiền tại Việt Nam.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị sàn TMĐT, các tổ chức trung gian vận chuyển để rà soát các shop bán hàng trực tuyến, từ đó phân loại đối tượng quản lý. Từ năm 2017, Cục Thuế Hà Nội đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích người kinh doanh đăng ký, tự giác thực hiện nghĩa vụ theo quy định.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, qua thanh kiểm tra nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, Tổng cục Thuế đã thu được số thuế rất lớn.

Riêng tại Hà Nội, từ năm 2017 đến nay có trên 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế dùng để kê khai, nộp thuế. Tổng số thuế và tiền phạt từ loại hình kinh doanh trên được hơn 22,7 tỷ đồng.

Cơ quan thuế đã rà soát hàng chục nghìn tài khoản ngân hàng có thu nhập từ TMĐT (Ảnh minh họa)

Cơ quan thuế đã rà soát hàng chục nghìn tài khoản ngân hàng có thu nhập từ TMĐT (Ảnh minh họa)

Đối với các tổ chức, cá nhân có thu nhập do cung cấp dịch vụ có thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội nước ngoài (Google, Facebook, Youtube...), qua dữ liệu do các ngân hàng cung cấp, có hơn 18.300 tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại các ngân hàng; với tổng số thu nhập từ Google, Facebook, Youtube khoảng 1.462 tỷ đồng.

Tổng số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp thu được từ các tài khoản trên mạng xã hội nước ngoài khoảng 14 tỷ đồng.

Cơ quan thuế cũng thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán hàng qua website (sàn thương mại điện tử…). Trong quá trình thanh tra một doanh nghiệp, cơ quan thuế đã thu thập được danh sách 9.510 trường hợp có hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT do doanh nghiệp này cung cấp với tổng số tiền phát sinh từ hoạt động rút tiền là 211 tỷ đồng.

Đối với hoạt động cho thuê nhà thông qua các website nước ngoài, cơ quan thuế đã rà soát 483 địa chỉ, trong đó 107 tổ chức đã nộp khoảng 9,4 tỷ đồng; 68 cá nhân đã nộp 634 triệu đồng.

Người nộp thuế còn băn khoăn

Dù đa số người nộp thuế đã tán thành việc phải nộp thuế đối với thu nhập phát sinh từ TMĐT, nhưng nhiều người vẫn bày tỏ băn khoăn về căn cứ tính thuế, tiền phạt chậm nộp…

Đơn cử như việc thu thuế căn cứ vào doanh thu liệu có phù hợp: “Nhiều trường hợp nếu nhìn vào dòng tiền các công ty nước ngoài trả cho người có kinh doanh TMĐT sẽ thấy rất cao. Nhưng nếu trừ đi chi phí hoạt động, chúng tôi thậm chí còn bị lỗ. Như vậy, chúng tôi vừa lỗ, vừa lại phải bị nộp thuế?” - ông Nguyễn Văn Mạnh – một người có doanh thu từ hoạt động TMĐT đặt câu hỏi.

Cũng chia sẻ tại một buổi tập huấn về thuế TMĐT, một cá nhân khác nêu vấn đề, từ nhiều năm trước, họ đã đến cơ quan thuế để đóng thuế, tuy nhiên, cán bộ thuế lúng túng.

“Hai năm trước, tôi đã chủ động đến cơ quan thuế xin nộp thuế. Cán bộ thuế hướng dẫn đăng ký là hộ kinh doanh cá thể, áp vào ngành nghề kinh doanh máy tính và thiết bị linh kiện điện tử, tôi đóng thuế một quý/lần với mức thuế 4,5%. Trong khi đó, ngành nghề đúng của tôi phải là sản xuất phần mềm, doanh thu từ nước ngoài và kinh doanh quảng cáo. Nay thu thuế TMĐT liệu tôi có bị truy thu, áp dụng mức phạt 0,03%/ngày?” - vị này đặt câu hỏi.

Đối với trường hợp này, phía cơ quan thuế cho rằng, cá nhân đã đóng thuế thì không bị truy thu, phạt chậm nộp.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục thuế địa phương tiếp tục rà soát, tuyên truyền các cá nhân tự kê khai, nộp thuế. Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 về hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh, các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế theo quy định.

Theo cơ quan quản lý thuế, hành vi không kê khai và không nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Đối với tổ chức, doanh nghiệp, mức xử phạt hành chính là từ 1 - 3 lần số tiền trốn thuế; mức phạt đối với cá nhân là 1/2 mức tiền phạt đối với tổ chức.