Thử thách khó khăn

ANTĐ - Nghĩ đến vợ và đứa con trai 5 tuổi gặp phải hội chứng Down bẩm sinh, Jason Puracal đã cố chịu đựng 2 năm cực khổ trong một nhà tù đông đúc ở Nicaragua với bản án 22 năm tù mà anh tin mình sẽ sớm được minh oan.

Sau 2 năm ở tù, Jason Puracal cuối cùng cũng được trở về bên vợ con

Ký ức kinh hoàng

“Giống như một cơn ác mộng vậy, cho đến khi tôi thực sự tin rằng mình đã trở về nhà”, Jason Puracal, 35 tuổi người Tacoma, Washington tâm sự khi anh đã được trả tự do, quay về Mỹ sum họp với gia đình. 

Trước phiên tòa phúc thẩm với bản án bị “lật ngược” hoàn toàn hôm 12-9-2012, Jason Puracal là công dân Mỹ bị giam giữ tại một trong những nhà tù có chế độ an ninh nghiêm ngặt nhất của Nicaragua với tội danh buôn lậu ma túy, rửa tiền và phạm tội có tổ chức.

10 năm trước, Puracal đến Nicaragua công tác. Năm 2004, anh quyết định ở lại và chọn San Juan del Sur, gần biên giới với Costa Rica làm nơi gây dựng sự nghiệp. Anh mua một căn nhà có 3 phòng ngủ nhìn ra vịnh. Từ đó, anh kinh doanh bất động sản, cùng với 3 người Mỹ khác lập nên hãng Re/Max. Ngày 11-10-2010, cảnh sát đeo mặt nạ mang AK-47 đã bố ráp văn phòng của Puracal và bắt anh đi. Nhà chức trách nghi ngờ anh sử dụng công việc kinh doanh làm vỏ bọc cho các hoạt động rửa tiền, dùng tiền của những tay buôn lậu ma túy để mua bán trang trại. Tháng 8-2011, tòa án phán quyết Jason Puracal 22 năm tù giam.

Đầu tiên, Purucal ở chung trong phòng giam với 9 đến 12 người. Ở đây, tù nhân là những “tay anh chị” khét tiếng, thường xuyên ẩu đả, cướp bóc lẫn nhau. Trong khi đó, phòng giam rất bẩn, đôi khi họ không có đủ nước uống và điều kiện vệ sinh khiến họ đau bụng liên tục. Chính vì thiếu dinh dưỡng mà trong tù, anh đã sụt mất hơn 10kg. Nhờ sự đấu tranh quyết liệt của các nhóm nhân quyền, sau đó anh được chuyển đến biệt giam.

Không mất hy vọng

Điều kiện khắc nghiệt như vậy nhưng Jason Purucal tự nhủ với mình là phải cố chịu để được quay trở lại cuộc sống bình thường bên người vợ Nicaragua của mình, Scarleth Flores, người anh đã gặp hồi năm 2006 và cậu con trai nhỏ Jabu. “Jabu là niềm hy vọng của tôi. Cháu bị hội chứng Down, nên tôi luôn nghĩ về con, tôi biết tôi cần phải chịu đựng để có ngày đoàn tụ”.

Nhận thấy quá trình xét xử Puracal có khá nhiều mâu thuẫn và sai lầm, những người ủng hộ nhân quyền và các nhà lập pháp Mỹ đã kháng cáo. Tài liệu tòa án cho biết, cảnh sát nhận được tin tình báo cho biết, Puracal và 10 nghi phạm khác đang chờ một tàu hàng vận chuyển ma túy. Các công tố viên Nicaragua cáo buộc Puracal đã sử dụng tiền của trùm ma túy Manuel Ponce Espinoza để mua các trang trại trong khu vực, nhưng không hề giải thích hai người này có mối quan hệ như thế nào. Chính Ponce làm chứng tại tòa án rằng hắn không quen biết công dân Mỹ Puracal và Puracal cũng chứng thực anh không hề quen với Ponce hoặc bất kỳ ai trong số 9 bị cáo còn lại.

Cuối cùng, tòa án phúc thẩm đã phán quyết rằng, các thẩm phán ở tòa sơ thẩm đã không cẩn thận xem xét các bằng chứng cũng như chưa đưa ra đủ luận cứ để kết án Puracal và 10 người khác. Ngoài ra, tòa án đã đồng ý rằng thẩm phán đã vi phạm quyền của bị cáo khi không cho phép đưa ra bằng chứng biện hộ. 

Trong chiến dịch đòi công lý cho Jason Puracal, gia đình anh cũng đã chi tiêu hơn 500.000 USD, trong đó người lao tâm khổ tứ nhất phải kể đến em gái anh, Janis Puracal, một luật sư ở Seattle. Thỉnh thoảng được phép vào thăm anh trong tù, Janis lại mang đến những thư điện tử của gia đình, bạn bè, thậm chí là những người không quen biết nhưng qua tìm hiểu vụ việc, họ đứng về phía anh. Đoàn tụ với gia đình tại Mỹ, nhưng Jason Puracal nói vẫn yêu đất nước Nicaragua. “Án oan sai ở nước nào cũng có, không riêng gì Nicaragua. Tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ tiếp tục hoàn thành một số dự án xã hội mà tôi đang làm ở đất nước này”.