Thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách: Liệu có gây ra phí chồng phí?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia và doanh nghiệp vận tải đều cho rằng, việc thu phí trên các tuyến cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ gây ra hiện tượng phí chồng phí. 

Phí tương đương cao tốc tư nhân đầu tư là không thỏa đáng

Vào ngày 30/9 tới đây, Bộ GTVT sẽ đồng loạt khởi công ba đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh đông. Ba đoạn tuyến cao tốc này gồm Mai Sơn- QL45, Vĩnh Hảo- Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây.

Tổng mức đầu tư của ba đoạn tuyến cao tốc này ở mức gần 40.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Đáng nói, theo thông tin tại cuộc họp báo diễn ra vào cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, ba đoạn tuyến cao tốc này dự kiến hoàn thành vào năm 2023, đồng thời có tổ chức thu phí với mức từ 1.500 đồng-2.000 đồng/km.

Các tuyến cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách cũng sẽ thu phí

Các tuyến cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách cũng sẽ thu phí

Hơn nữa, kể từ khi Quỹ bảo trì đường bộ thu trên đầu phương tiện có hiệu lực (1/1/2013), Bộ GTVT đã giải thích, việc hình thành quỹ bảo trì đường bộ sẽ bỏ thu phí trên những tuyến đường được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Vào năm 2019, phí bảo trì đường bộ thu trên đầu phương tiện toàn quốc đạt khoảng 7.500 tỷ đồng.

Do vậy, việc Bộ GTVT cho biết, sẽ thu phí trên các dự án cao tốc được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, mức thu cũng tương đương các tuyến cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa hiện nay không nhận được sự đồng tình từ dư luận.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc Bộ GTVT quyết định thu phí với mức cao trên các tuyến cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách rõ ràng là phí chồng phí.

“Về bản chất, vốn ngân sách cũng là tiền thuế của nhân dân, việc dùng số tiền này để đầu tư làm hạ tầng giao thông, phục vụ người dân là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, sau đó lại thu phí phương tiện là không thỏa đáng. Trong khi đó, tất cả ô tô hiện nay đều đang phải đóng phí sử dụng đường bộ, như vậy là phí chồng phí”- ông Minh lập luận.

Thu phí để Nhà nước lấy nguồn tái đầu tư

Giải thích về việc này, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT thừa nhận, về việc thu phí cao tốc hiện còn nhiều quan điểm, các nước trên thế giới cũng áp dụng nhiều mô hình khác nhau.

Hiện nay, phí bảo trì đường bộ các xe đang đóng hàng năm là thu để bảo trì các tuyến đường khác nhau, gồm đường xã, thôn, tỉnh, huyện; có nước thu qua xăng dầu, có nước thu theo tải trọng xe.

“Chúng ta chưa có quy định đồng bộ và hiện nay vẫn hiểu rằng, các tuyến đường đầu tư bằng vốn ngân sách thì không thu phí. Nhưng thực tế, nguồn lực ngân sách Nhà nước có hạn, chỉ đầu tư được những tuyến quốc lộ cơ bản”- ông Đông lý giải, đồng thời cho rằng, đường cao tốc có tính tính thương mại cao, đi lại an toàn và thuận tiện hơn. Phương tiện muốn lưu thông thì phải trả tiền, còn nếu không thì có thể lựa chọn để lưu thông tuyến đường khác, như QL1.

Về cơ sở để thu phí đối với các dự án cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách, ông Đông cho hay, dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã bổ sung quy định, thu phí tại các dự án cao tốc này.

“Thu phí là để lấy tiền đầu tư đường khác, nếu không bước đi của ta sẽ chậm hơn, huy động nguồn lực sẽ khó khăn hơn”, Thứ trưởng Đông cho hay.

Giải thích thêm về vấn đề thu phí cao tốc, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư PPP, Bộ GTVT, cho biết sẽ xác định giá khởi điểm và giá từng thời kỳ. Bộ GTVT đang phối hợp Bộ Tài chính để tính toán phương án thu phí các dự án sử dụng vốn ngân sách, sớm trình Chính phủ và báo cáo Thường vụ Quốc hội để bổ sung và danh mục phí và lệ phí, tập trung trước tiên vào các dự án cao tốc do có lựa chọn cho người dân.

Nhìn nhận dưới góc độ kinh tế, một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tổ chức thu phí tại các dự án cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách có thể chấp nhận được, để lấy kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, mức thu nên thấp hơn các tuyến cao tốc đầu tư bằng vốn PPP.