“Thủ phạm” tàn sát động vật biển

ANTĐ - Chính con người chứ không phải ai khác đang là “thủ phạm” gây ra cái chết cho hàng triệu động vật mỗi năm ở khắp các đại dương trên Trái đất mà “vũ khí” là rác thải nhựa.

“Thủ phạm” tàn sát động vật biển ảnh 1Rác thải nhựa là hiểm họa đe dọa nghiêm trọng các sinh vật sống ở đại dương

Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) vừa công bố một kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi năm có khoảng 1,5 triệu động vật trên biển chết vì ngộ độc do ăn phải rác thải nhựa hay chất dẻo. Lượng rác thải nhựa do con người thải ra nhiều đến mức IRA phải lên tiếng cảnh báo về điều mà cơ quan nghiên cứu này cho là mối nguy hại từ các “đảo rác” hình thành ở các đại dương hay còn được biết đến như “Lục địa thứ bảy” - “Lục địa rác”.

IRD cho biết, Thái Bình Dương hiện là đại dương chứa lượng rác thải nhựa nhiều nhất trong các đại dương trên thế giới, thậm chí hình thành các “đảo” rác giữa biển. Trong đó, “đảo” rác lớn nhất nằm ở khu vực biển giữa bờ biển California và đảo Hawaii, với diện tích tới 3,5 triệu km² (gấp 7 lần diện tích nước Pháp) và mỗi năm diện tích đảo rác này lại tăng thêm 80.000km².

Trước đó, nghiên cứu của Viện Hải dương Mỹ cũng cho biết ở khu vực nhiệt đới Bắc Thái Bình Dương, trung bình cứ 1m3 nước biển chứa tới 10 mẩu nhựa khác nhau, cao gấp ít nhất 100 lần so với lượng rác thải nhựa ở khu vực này năm 1972. 

Trong khi đó, Chương trình Môi trường LHQ (UNDP) ước tính số lượng chất dẻo con người sản xuất đã tăng nhanh chóng từ 5 triệu tấn trong năm 1950 lên 260 triệu tấn mỗi năm. Lượng chất dẻo được sử dụng tính theo đầu người hàng năm đã lên tới 100kg ở các nước phát triển và 20kg ở các nước đang phát triển. 80% rác thải nhựa và các rác thải khác đổ ra các đại dương là từ hoạt động của con người trên đất liền.

Nghiên cứu của IRD cho thấy, rác thải nhựa - với 80% tổng khối lượng là hợp chất polyethylene khó phân hủy dưới tác động của vi khuẩn và nấm - sau khi bị đổ xuống biển đã được các dòng hải lưu cuốn về một nơi, từ đó hình thành các đảo rác lớn trên đại dương. Song đến khi bị phân hủy (tồn tại hàng trăm năm), các phân tử rác nhựa nhỏ có thể chìm xuống tới độ sâu 1,5 km dưới mặt nước biển và trở thành thức ăn cho khoảng 30% các loại cá. 

Báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho hay, rác thải chất dẻo như chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn... là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển khi bị nuốt phải như rùa, cá heo và cá voi hoặc tác động tiêu cực tới môi trường sống như các rặng san hô. UNEP ghi nhận, đã có nhiều báo cáo về việc sinh vật biển nuốt vào bụng các chất dẻo độc hại thường tồn tại dưới dạng các mảnh vỡ nhỏ có đường kính chưa tới 5mm. 

UNEP cảnh báo rằng rác thải nhựa trên đại dương đang gây tổn thất cho nền kinh tế thế giới ít nhất 13 tỷ USD mỗi năm, đe dọa đời sống sinh vật biển, ngành du lịch và nghề cá.