Thủ lĩnh nhóm khủng bố Indonesia lĩnh án vì vụ đánh bom Bali

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau gần 20 năm lẩn trốn sau vụ đánh bom Bali năm 2002, cuối cùng, Aris Sumarsono - một thủ lĩnh cấp cao của nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah (JI) - nhánh “chân rết” của tổ chức al-Qaeda ở Đông Nam Á đã chịu hình phạt thích đáng.
Zulakrnaen bị bắt giữ ở Sumatra vào tháng 12-2020 sau nhiều năm lẩn trốn

Zulakrnaen bị bắt giữ ở Sumatra vào tháng 12-2020 sau nhiều năm lẩn trốn

Ngày 19-1, tòa án ở Indonesia đã tuyên phạt 15 năm tù giam đối với Aris Sumarsono, biệt danh là Zulkarnaen, vì tội danh liên quan đến vụ đánh bom trên đảo Bali năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng. Zulkarnaen, cựu chỉ huy quân sự của nhóm JI có liên hệ với al-Qaeda, không chỉ bị xét xử vì các vụ đánh bom ở Bali mà còn vì một số vụ tấn công khác do nhóm dưới quyền hắn thực hiện. “Anh ta phạm tội khủng bố và bị kết án 15 năm sau song sắt”, chủ tọa phiên tòa tại Tòa án quận Đông Jakarta ngày 19-1 cho biết. Bị cáo phạm các tội danh hành động khủng bố, hỗ trợ phiến binh, che giấu thông tin và liên quan tới mạng lưới khủng bố JI.

Người đàn ông 58 tuổi này đã lẩn trốn gần 2 thập kỷ sau khi bị cho là nghi phạm trong các vụ tấn công ở Bali. Trước đó, phía công tố đã đề nghị mức án chung thân. Luật sư Asludin Hatjani của Zulkarnaen cho biết, ông ta sẽ thảo luận với thân chủ về việc kháng cáo.

Zulakrnaen bị bắt ở Sumatra vào tháng 12-2020 sau nhiều năm trốn chạy và được đưa đến Jakarta để hầu tòa. Theo một số chuyên gia chống khủng bố, Zulakrnaen là một chuyên gia về chế tạo và phá bom. Những kỹ thuật này đã được hắn tiếp thu trong thời gian huấn luyện ở Afghanistan. Ngoài ra, Zulakrnaen cũng là một trong những phiến quân Hồi giáo Indonesia đầu tiên đến trại huấn luyện quân sự của al-Qaeda ở Afghanistan. Trong phiên tòa, Zulkarnaen cho biết, anh ta là thủ lĩnh cánh quân sự của JI, nhưng phủ nhận mọi liên quan đến vụ đánh bom hộp đêm nổi tiếng ở Bali.

Nhà phân tích Stanislaus Riyanta cảnh báo rằng, dù bị kết án tù nhưng Zulkarnaen vẫn nên được giám sát ngay cả khi ở sau song sắt. “Hắn ta có thể truyền bá tư tưởng của mình trong tù”, ông Riyanta nói.

Vụ khủng bố lớn nhất trong lịch sử đất nước Đông Nam Á xảy ra trên đảo du lịch Bali đêm 12-10-2002. Vụ nổ diễn ra lúc 23h ở hộp đêm Sari, bãi biển Kuta khiến cả hộp đêm toàn người nước ngoài sập xuống, hàng trăm người thiệt mạng. Trong đó, 3/4 số nạn nhân là người Australia, ngoài ra là công dân Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, Canada và Mỹ... Đêm đó, một quả bom khác phát nổ tại thành phố Denpasar (thủ phủ Bali), cách văn phòng lãnh sự quán Mỹ hơn 90m nhưng không có thương vong.

Sau vụ nổ, Indonesia đã trở thành quốc gia thứ 21 xảy ra đánh bom liều chết kể từ khi chiến thuật này được sử dụng lần đầu tiên ở Lebanon vào năm 1981. Vụ việc có bàn tay chỉ đạo của Al-Qaeda và thực tế, các thủ lĩnh trực tiếp dàn dựng vụ đánh bom này nhận được hỗ trợ tài chính cũng như từng được huấn luyện tại Afghanistan. Đến nay, 3 trong số thủ phạm chính của các vụ đánh bom ở Bali đã bị kết án tử hình ở Indonesia và bị hành quyết, trong khi kẻ thứ tư, Ali Imron, bị tuyên án chung thân. Một thủ lĩnh hàng đầu khác, Encep Nurjaman, biệt danh Hambali, đã bị bắt giữ hồi năm 2003 ở Thái Lan trong chiến dịch hợp tác của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và bị Mỹ giam giữ tại Vịnh Guantanamo trong 16 năm qua. Nhân vật này là một trong số ít tù nhân ở Guantanamo bị cáo buộc tội danh cụ thể và được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đánh giá là “trùm khủng bố Osama bin Laden của Đông Nam Á”.

Nhà chức trách Indonesia gần như đã triệt phá được nhóm JI sau vụ đánh bom đẫm máu nhất trong lịch sử nước này. Indonesia đã thành lập một đơn vị cảnh sát tinh nhuệ chống khủng bố mang tên Densus 88 sau các cuộc tấn công ở Bali. Trong khi JI đã bị suy yếu đáng kể, các nhóm khác, như Jamaah Ansharut Daulah (JAD), ngày càng nổi lên. Tuy nhiên, JAD đã bị cấm hoạt động vào năm 2018 sau một loạt vụ đánh bom liều chết.