Thủ khoa không cần học thêm

ANTĐ - Bùi Mạnh Thắng (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là thủ khoa đầu tiên của mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2015. Kinh tế gia đình không khá giả, Thắng luôn tự học ở nhà thay vì xin tiền bố mẹ tới các lớp học thêm.   

Mở màn cho mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, danh hiệu Thủ khoa đầu tiên đã thuộc về em Bùi Mạnh Thắng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, đạt 128/140 điểm trong kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. Đáng nói là kết quả đó có được do chính quá trình Thắng tự ôn thi tại nhà.

Thủ khoa không cần học thêm ảnh 1

Biết mình thi tốt 

Làm bài xong và đạt 128 điểm, Bùi Mạnh Thắng, học sinh trường THPT Bình Thanh, tỉnh Thái Bình chỉ chia sẻ với bố mẹ về kết quả. “Chúng tôi chỉ nghĩ với mức điểm này, chắc con mình đã đỗ một suất vào ĐH Công nghệ ĐHQG Hà Nội chứ không nghĩ đây lại là kết quả cao nhất trong tổng số hơn 43.000 thí sinh cùng tham gia kỳ thi”, bà Bùi Thị Nhẫn, mẹ của Bùi Văn Thắng cho biết. Vậy là những nỗ lực của 12 năm học phổ thông đã giúp Thắng gặt hái thành quả với vị trí cao nhất trong số những thí sinh lần đầu tiên tham gia kỳ thi hoàn toàn mới, đòi hỏi thực chất và khả năng vận dụng cao. Được biết, ngoài vị trí thủ khoa đạt 128 điểm của ĐHQG Hà Nội thì chỉ có 3 Á khoa đạt 126 điểm. Ở mức điểm 125 thì cũng chỉ có 45 thí sinh đạt được.

Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Bùi Mạnh Thắng cho biết, em đã làm quen rất kỹ với cách ra đề của ĐHQG Hà Nội qua các kỳ thi thử, đề thi mẫu trên mạng. “Khác với cách ra đề của kỳ thi THPT quốc gia, đề thi đánh giá năng lực đòi hỏi kiến thức tổng hợp của nhiều môn và đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn. Một câu hỏi mà em ấn tượng với môn Vật lý là câu hỏi “Tại sao xe chở xăng phải có dây xích sắt chạm đất khi di chuyển?”. Đây là hình ảnh thường thấy nhưng nếu không đưa vào đề thi thì ít ai suy nghĩ nguyên nhân tại sao”, Bùi Mạnh Thắng chia sẻ.

Câu trả lời mà Thắng đưa ra cho câu hỏi này là để trung hòa điện tích bình xăng. Với sở trường là các môn Tự nhiên, Thắng cho biết, toàn bộ phần Toán em đều trả lời đúng hết và tương tự như vậy với phần tự chọn hỏi về kiến thức Tự nhiên. “Có lẽ khó nhất vẫn là phần thi bắt buộc liên quan đến môn Văn. Tuy đề thi không yêu cầu nhớ nhiều nhưng để trả lời đúng các phần đọc hiểu văn bản không phải là dễ với cả thí sinh thi môn Xã hội”, Bùi Mạnh Thắng chia sẻ.

Tự học để làm đầy kiến thức

Bà Bùi Thị Nhẫn tâm sự, gia đình kinh tế không khá giả, 2 vợ chồng đều cùng làm nghề nông, tuy nhiên điều đáng mừng là cả 2 con trai bà đều rất chăm học và tự giác. “Ngoài giờ học ở trường, được sự giúp đỡ của các thầy cô giáo thì thời gian còn lại Thắng dành vào việc tự học ở nhà”, bà Nhẫn nói. Với tấm gương là anh trai mình cũng chỉ tự học mà đỗ vào ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội và hiện đang làm cho Tập đoàn FPT, Thắng nhất quyết tự ôn tập ở nhà thay vì phải xin tiền bố mẹ tham gia các lớp học thêm. 

Suốt 12 năm, Bùi Mạnh Thắng luôn là học sinh giỏi, dẫn đầu toàn trường về thành tích học tập. Thầy Hoàng Văn Cương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 trường THPT Bình Thanh cho biết, điểm tổng kết môn Toán, Lý, Hoá của Thắng nhiều năm liền đạt trên 9,8. “Anh trai Thắng học theo chuyên ngành CNTT nhưng vì đi học và đi làm ở Hà Nội nên không có điều kiện kèm cặp cho em, chỉ gửi tài liệu ôn tập về cho Thắng tự học ở nhà”, mẹ Thắng tâm sự.

Chia sẻ về cách ôn tập để cùng lúc “đối phó” với kỳ đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội lẫn kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, Thắng cho biết, mặc dù định hướng ra đề của 2 kỳ thi này hoàn toàn khác nhau nhưng kiến thức chung thì chỉ có một. “Để ôn thi em vẫn tập trung vào các kiến thức cơ bản trong chương trình phổ thông. Chỉ có điều là với mỗi kỳ thi sẽ có định hướng và yêu cầu mở rộng riêng thì phải tự tìm hiểu các tài liệu bên ngoài. Thực tế mấy năm gần đây, các kỳ thi đều tập trung vào các câu hỏi vận dụng thực tiễn nên không phải là điều lạ lẫm với học sinh”, Thắng phân tích. 

Dù khó khăn về kinh tế nhưng gia đình Thắng cho biết, với niềm tự hào Thắng đem lại cho gia đình, bố mẹ càng thấy có trách nhiệm hơn với việc chăm lo cho con mình có điều kiện hoàn thành nguyện vọng học tập sau này.