Thu hút FDI để tạo động lực cạnh tranh

ANTĐ - Diễn đàn đầu tư toàn cầu khai mạc sáng nay (30-9) tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hơn 700 đại biểu đến từ 32 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Thu hút FDI để tạo động lực cạnh tranh ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh sự hiện diện của đông đảo doanh nhân, nhà đầu tư, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã tham dự sự kiện này. 

Thủ tướng khẳng định, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định. Trong giai đoạn 2011-2015, GDP của Việt Nam tăng bình quân khoảng 6%/năm. Năm 2015, GDP của Việt Nam có thể tăng trên 6,5%. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục cao thứ hai trên thế giới trong 20 năm qua, quy mô nguồn lực ngày càng lớn, kết cấu hạ tầng tăng nhanh, đời sống nhân dân và an sinh xã hội được cải thiện.

Môi trường kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thị trường tài chính mặc dù quy mô còn khiêm tốn, song Việt Nam đang nỗ lực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đáng chú ý, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs), dự kiến cuối năm nay sẽ tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sẽ có điều kiện mở rộng thị trường đến các nước đối tác của Việt Nam. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nền kinh tế Việt Nam đang có cơ hội và thách thức đan xen. Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh ổn định lâu dài tới Việt Nam. Chúng tôi luôn tâm niệm, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là thành công của Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kể trong 5 năm qua, mà không phải quốc gia nào cũng làm được. Năm 2011, do những biến động của tình hình thế giới tác động đến Việt Nam, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều thách thức. Lạm phát cuối năm 2010 tăng 11,75% so với tháng 12-2009. Chính phủ đã lập tức phải điều chỉnh mục tiêu kinh tế 5 năm (2011-2015) thay vì phát triển nhanh thì tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, quan tâm đến an sinh xã hội và đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Năm 2012, lạm phát tăng 18,3%. Nhưng đến nay, nhờ chính sách đúng đắn, lạm phát của Việt Nam đang rất thấp. 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao chưa từng có, đồng tiền Việt Nam có giá trị. Môi trường vĩ mô ổn định và từng bước vững chắc”. Bên cạnh đó, trước những biến động gần đây của tình hình thế giới như giá dầu giảm, đồng NDT mất giá, Việt Nam đã có những ứng xử linh hoạt, phù hợp để vừa đảm bảo thu ngân sách, vừa để hoạt động thương mại xuất nhập khẩu không bị tác động nhiều. “Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tốt hơn. Dự kiến GDP 2016 sẽ tăng khoảng 6,7%”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói. 

Người đứng đầu Bộ KH-ĐT khẳng định, hội nhập là xu hướng tất yếu và chính sách thu hút FDI là một trong những động lực nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. 

Đồng tình với những kết quả nêu trên, ông Peter R Ryder- Tổng giám đốc Indochina Capital Corporation chia sẻ: “Tôi đã kinh doanh tại Việt Nam 23 năm và gần đây, tôi ngạc nhiên vì quá trình phát triển của Việt Nam. Ngày cuối tuần vừa rồi, chúng tôi đã có cuộc tọa đàm kéo dài 6 tiếng để nói về các nước ASEAN. Trong đó, 5,5 tiếng các diễn giả nói về Việt Nam. Điều đó cho thấy Việt Nam có vị trí quan trọng thế nào đối với các nhà đầu tư”.

Theo ông Jonathan Choi - Chủ tịch  Tập đoàn Sunwah và Tập đoàn VinaCapital, chính sách nhất quán phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam là cơ hội tốt để đầu tư lâu dài tại Việt.

Tin cùng chuyên mục