Thu hồi tiền trục lợi bảo hiểm thất nghiệp: Giải pháp nào dứt điểm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nguyên nhân chính dẫn đến việc khó thu hồi được số tiền bảo hiểm thất nghiệp hưởng sai là do ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động còn hạn chế, đồng thời các chế tài xử phạt chưa đầy đủ hoặc còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp

Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp

Khó thu hồi vì người lao động không phối hợp

Báo cáo mới đây về tình hình thu hồi tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính đến 31/5/2021 tổng số tiền phải thu hồi theo Kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước là hơn 39 tỷ đồng. Tổng số tiền đã thu hồi được là hơn 18 tỷ đồng (chiếm 47,6% so với tổng số tiền phải thu hồi), số tiền còn lại phải thu hồi là 21 tỷ đồng.

Về tình hình thu hồi tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/5, số tiền đã thu hồi được là hơn 1,4 tỷ đồng, số tiền còn lại phải thu hồi là hơn 324 triệu đồng.

Đánh giá về tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, ông Đào Duy Hiện, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, lợi dụng ý nghĩa nhân văn của chính sách, vẫn còn tình trạng người lao động chủ động nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khi đơn vị vẫn bố trí được việc làm. Chẳng hạn, người lao động được hưởng chế độ thai sản chủ động xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thai sản.

Đề cập đến nguyên nhân khó thu hồi tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, do ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động còn hạn chế, đồng thời các chế tài xử phạt chưa đầy đủ hoặc còn nhẹ chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn trường hợp người lao động không phối hợp cung cấp hồ sơ có liên quan để xác minh về số tiền phải thu hồi, hoặc cố tình không nộp lại số tiền bị thu hồi.

Ngoài ra, cũng có nguyên nhân từ việc người hưởng bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, thu nhập không cao nên khả năng tích lũy ít. Đặc biệt trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế khó khăn nhiều doanh nghiệp giảm giờ làm, cắt giảm lao động, giảm lương,... nên người lao động càng khó khăn hơn trong việc nộp lại tiên hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định.

Áp dụng biện pháp mạnh

Để thu hồi dứt điểm tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định, ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, trong thời gian tới cơ quan này sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Trước mắt, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản chỉ đạo các Sở LĐ-TB&XH hội phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố đẩy mạnh kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp phải thu hồi tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm và dự án ứng dụng công nghệ thông tin về bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó có việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu với cơ quan bảo hiểm xã hội, dự kiến năm 2022 hoàn thành.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện chia sẻ, kết nối dữ liệu thu, chi bảo hiểm thất nghiệp giữa ngành bảo hiểm xã hội với dữ liệu tiếp nhận, giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định.

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH sẽ tăng cường hoạt động rà soát, liên hệ, đề nghị người lao động cung cấp hồ sơ có liên quan nhằm xác minh lại các trường hợp bị thu hồi trước khi ban hành quyết định thu hồi; phân định rõ lý do thu hồi để ban hành quyêt định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có hành vi vi phạm.

Về lâu dài, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, trong đó có các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng gian lận, trục lợi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bổ sung các quy định về việc xóa nợ đối với số tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định không thế thu hồi được trong một số trường hợp bất khả kháng như: người lao động bị chết, mất tích, đi định cư nước ngoài, mất khả năng lao động mà không có tích lũy để nộp lại tiền phải thu hồi.

Đặc biệt, cần bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện thu hồi tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định của người lao động đang làm việc tại đơn vị.