Thu hồi 11.390 tỷ đồng tài sản liên quan tham nhũng, 3 cán bộ nộp lại quà tặng 31,8 triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2020, cơ quan chức năng đã thu hồi được hơn 11.390 tỷ đồng tài sản do tham nhũng mà có, đồng thời chuyển đổi vị trí công tác 26.732 lượt cán bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2020 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14-9, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, một điểm nhấn thời gian qua là công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực.

Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Kết quả, tổng số vụ việc phải thi hành thu hồi tài sản là hơn 5.600 việc. Các cơ quan đã thi hành xong gần 2.600 việc, đạt tỷ lệ 61,95%.

Về tiền, tổng số tiền phải thi hành (thu hồi) là trên 75.700 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện là xấp xỉ 49.000 tỷ đồng, chiếm 64,67%. Lực lượng chức năng đã thi hành xong số tiền hơn 11.390 tỷ đồng trong các vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung.

Dù vậy, tỷ lệ thu hồi tài sản mới chỉ đạt 23%. Nhìn nhận hạn chế, Chính phủ cho rằng, mặc dù số việc phải thi hành theo các bản án, quyết định trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế không nhiều nhưng số tiền phải thi hành án trong từng vụ việc là rất lớn (chiếm 28,68% về tiền so với tổng số phải thi hành).

Trong khi đó, phần lớn người phải thi hành án không có tài sản hoặc có rất ít tài sản để thi hành án, làm tăng tỷ lệ về tiền chuyển kỳ sau. Ngoài ra, nhiều bản án đã tuyên có giá trị tiền, tài sản phải thi hành lớn mới xét xử xong, đang trong quá trình xác minh, xử lý tài sản để thi hành án.

Đặc biệt, theo báo cáo của Chính phủ, cơ chế phối hợp trong công tác thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa thật sự hiệu quả, nhất là đối với các vụ việc phức tạp, có số tiền thu hồi đặc biệt lớn, tài sản phải xử lý liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.

Có tình trạng bổ nhiệm cán bộ gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 được gửi đến phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác phòng chống tham nhũng đang có những bước tiến mạnh mẽ, đạt kết quả rõ rệt hơn.

Nổi bật như: trong năm nay đã có 3 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 31,8 triệu đồng. Các cấp, các ngành cũng đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 26.732 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 34% so với năm 2019).

Có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Các cơ quan điều tra trong công an đã thụ lý điều tra 508 vụ án, 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 286 vụ, 606 bị can (tăng 15 vụ, 58 bị can so với cùng kỳ năm 2019).

Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 19 đơn vị cũng phát hiện một số sai phạm trong tuyển dụng công chức, viên chức; nhất là bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh và trình tự, thủ tục, thời hạn bổ nhiệm…

Thẩm tra sơ bộ báo cáo nêu trên của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội chỉ rõ, việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến còn có trường hợp người đứng đầu bị xử lý.

Bên cạnh đó, qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch; bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn … đã gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận.