Thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn

ANTĐ - Tại phiên bế mạc sáng qua, 23-11, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Đáng chú ý, ngoài Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Nghị quyết về thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết tố cáo, khiếu nại về đất đai; lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội

“Với tinh thần và trách nhiệm cao trước nhân dân, các ĐBQH đã tập trung trí tuệ   
tham gia tích cực, tâm huyết vào các nội dung của kỳ họp, quyết định nhiều vấn đề 
quan trọng, được cử tri và đồng bào cả nước đặc biệt quan tâm”. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Trích phát biểu bế mạc kỳ họp)

Giao nhiệm vụ “nóng” cho 4 Bộ trưởng 

Với 96,59% phiếu tán thành, Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 đã được Quốc hội thông qua. Nghị quyết đánh giá cao tính dân chủ, công khai, trách nhiệm của phiên chất vấn tại kỳ họp lần này cũng như ghi nhận các giải pháp tích cực mà Thủ tướng Chính phủ và 4 thành viên Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội. Đồng thời, Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cụ thể và lộ trình phải hoàn thành nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ nói trên. 

Nghị quyết yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương cần tiếp tục có các biện pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài; giải quyết hàng tồn kho, bảo đảm sang năm 2013 hàng tồn kho sẽ giảm dần theo cơ cấu ngành. Đồng thời, Bộ Công Thương phải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó xác định rõ các dự án phải dừng, các dự án phải điều chỉnh, dự án được tiếp tục triển khai. Năm 2013, Chính phủ phải ban hành chính sách đặc thù cho đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện.

Nghị quyết yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản; có kế hoạch giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, bảo đảm từ nay đến cuối năm 2013 tạo được sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này. Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, rút ruột công trình trong xây dựng; khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý đô thị. 

Với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nghị quyết đề nghị cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ đồng thời kiềm chế lạm phát theo chỉ tiêu đã đặt ra; năm 2013, phải tạo cho được chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, bảo đảm đến năm 2015 có một hệ thống ngân hàng lành mạnh; làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng.

Với Bộ trưởng Bộ Y tế, Quốc hội đề nghị cần triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, nâng cao y đức, khắc phục những yếu kém trong quản lý khám chữa bệnh tư nhân; trong năm 2013, cần tăng cường quản lý thuốc, giá thuốc, viện phí. Ngành y tế phải có biện pháp tích cực, hiệu quả để giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh con; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm quản lý tốt VSATTP.

Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với 96,39% số phiếu tán thành. Nghị quyết này đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến các ĐBQH tại kỳ họp. Theo đó, mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp, để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Hiến pháp và thi hành Hiến pháp. 

Để đạt được mục đích này, Nghị quyết nhấn mạnh, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác. Đối tượng lấy ý kiến gồm: Các tầng lớp nhân dân; Các cơ quan, tổ chức nhà nước ở Trung ương và địa phương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu; Các cơ quan thông tấn, báo chí. 

Về nội dung, sẽ lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; Tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội htttp://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc 31-3-2013. 

Giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo về đất đai

Nghị quyết về thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết tố cáo, khiếu nại của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai được Quốc hội thông qua với 96,79% phiếu tán thành. Nghị quyết yêu cầu tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, nghiên cứu mở rộng thẩm quyền của Tòa án nhân dân về việc giải quyết các tranh chấp về đất đai; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng cụ thể hóa tối đa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn; sửa đổi, bổ sung quy định về giá đất theo hướng giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và đúng quy định. 

Nghị quyết đặt mục tiêu, trước năm 2015 cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính. Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước theo thẩm quyền chủ động xem xét từng vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai trong phạm vi quản lý để giải quyết kịp thời, dứt điểm, công bố công khai kết quả giải quyết, không để khiếu kiện vượt cấp, diễn biến phức tạp, khiếu kiện đông người. Từ nay đến cuối năm 2012, tập trung rà soát, có phương án giải quyết cơ bản 528 vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; đặc biệt, phải kiên quyết xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. 

60-70% ĐBQH làm kiêm nhiệm

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, nhiều phiên làm việc có số ĐBQH nghỉ, không tham dự khá đông. Chiều 23-11, trả lời câu hỏi về mức độ tham gia dự họp của các ĐBQH, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp cho biết, trong nội dung quy định của kỳ họp cũng như trong Luật Tổ chức Quốc hội không có quy định nào cụ thể về vấn đề này mà chỉ nêu rõ ĐBQH phải hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân. ĐBQH cũng có lúc ốm đau, mệt mỏi nên không thể tham dự được tất cả các nội dung làm việc của kỳ họp. Hơn nữa, 60-70% ĐBQH làm kiêm nhiệm, ngoài vai trò của một ĐBQH còn bận rất nhiều công việc quan trọng khác, nhiều khi không thể trì hoãn được nên phải nghỉ họp. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, tất cả ĐBQH xin nghỉ họp đều phải gửi đơn đến Trưởng đoàn ĐBQH của mình, đồng chí Trưởng đoàn này sẽ báo cáo đến Ban tổ chức kỳ họp.
Đưa ra được những giải pháp quyết liệt

Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất, tính trong cả 4 kỳ của khóa XIII. Huy động sức mạnh trí tuệ tổng hợp của cả 498 đại biểu, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013… Quốc hội đồng thời thông qua 9 luật, cho ý kiến vào 6 dự án luật khác cùng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó có nhiều luật quan trọng: Luật Thủ đô, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo tôi, điểm sáng của kỳ họp là việc Chính phủ đã đưa ra các giải pháp quyết liệt thúc đẩy kinh tế xã hội; đồng thời Quốc hội ngoài vai trò giám sát của mình còn thể hiện việc chia sẻ, bàn bạc và tư vấn với Chính phủ để giải quyết các “điểm nghẽn”. Dù vẫn còn những bức xúc của cử tri, song cơ bản các giải pháp về chính sách đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri. Tôi cho rằng đây là một kỳ họp thành công.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh)

Những nét mới của kỳ họp thứ 4 

Trong 25 ngày rưỡi làm việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, có đến 13 phiên họp tại hội trường được truyền hình, phát thanh trực tiếp, nhiều hơn bất cứ một kỳ họp nào trước đây. Điều đó cho thấy các nội dung làm việc của Quốc hội ngày càng được công khai hơn để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi. 

Phiên thảo luận về phòng, chống tham nhũng của Quốc hội cũng lần đầu tiên được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Tại phiên chất vấn của kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội nghe báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp trước. Báo cáo này do  Phó Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Xuân Phúc trình bày.

Lần đầu tiên Quốc hội thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp, Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.