Thông điệp từ cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của “Bộ tứ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của nhóm “Bộ tứ” phát đi thông điệp đáng chú ý, không chỉ cho thấy sự nâng tầm của mối quan hệ đối tác giữa các cường quốc hàng đầu thế giới và khu vực này mà còn khẳng định sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đáp trả những thách thức an ninh ngày càng lớn, đặc biệt là thách thức từ tham vọng chủ quyền phi pháp trên biển.
Một cuộc diễn tập thường niên của hải quân các nước nhóm “Bộ tứ”

Một cuộc diễn tập thường niên của hải quân các nước nhóm “Bộ tứ”

Nâng tầm quan hệ “Bộ tứ”

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hôm nay (12-3) tiến hành Hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến nhằm “thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời trao đổi quan điểm về những lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm”. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của 4 quốc gia Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản, hay còn gọi là nhóm “Bộ tứ” hoặc “Bộ tứ kim cương” (Quad).

“Bộ tứ” hình thành năm 2007 dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama với 4 quốc gia thành viên là Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản. Khi mới ra đời, Quad hoạt động với mục đích thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Tuy nhiên, hoạt động của “Bộ tứ” dần chìm xuống sau đó do các thành viên dường như chú trọng hơn hợp tác song phương cùng các đối tác khác ở khu vực để ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Nhóm “Bộ tứ” tái hoạt động trở lại từ đầu năm 2020 với những cuộc thảo luận các cấp cũng như các cuộc diễn tập quân sự, nhất là các cuộc diễn tập và tập trận trên biển, trong bối cảnh thách thức an ninh ngày càng lớn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và tham vọng của quốc gia này về chủ quyền trên biển.

Nhằm ứng phó với các thách thức này càng lớn và đa dạng hơn, “Bố tứ” không chỉ khôi phục hoạt động hợp tác mà còn mở rộng thêm đối tác tham gia. Hồi tháng 3-2020, “Bộ tứ” đã lần đầu tiên mời thêm 3 quốc gia gồm Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam, được gọi là “Bộ tứ mở rộng” (Quad Plus), tham gia thảo luận về cách thức ứng phó khi các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dòng chảy thương mại quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Trung Quốc “đóng cửa” nhiều hoạt động sản xuất để chống dịch Covid-19.

Khi ông Joe Biden đắc cử, vẫn có những dấu hỏi về tương lai của “Bộ tứ” bởi vị Tổng thống thứ 46 này của nước Mỹ tuyên bố đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm. Trong khi đó, tuy không phải là một liên minh quân sự chính thức như NATO nhưng Quad được xem là liên minh tiềm năng đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việc Tổng thống Joe Biden không chỉ tiếp nối sự hợp tác trong khuôn khổ “Bộ tứ” mà còn nâng cấp lên khi mời người đứng đầu Chính phủ các nước Ấn Độ, Australia và Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của nhóm vào ngày 12-3-2021 đã cho thấy chính quyền mới của Mỹ tiếp tục coi trọng cơ chế hợp tác này trong việc ứng phó với các thách thức an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Bộ tứ” sẽ được nâng tầm để hoạt động như một khối tiềm tàng nhằm ứng phó việc Trung Quốc đang ngày càng gia tăng hoạt động chính trị, thương mại và quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hợp tác ứng phó thách thức chung

Việc “Bộ tứ” nâng tầm hợp tác lên cấp hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên không chỉ diễn ra dưới thời tân Tổng thống Joe Biden mà còn trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục ráo riết tiến hành quân sự hóa trên biển hòng dùng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền phi pháp, đặc biệt ở Biển Đông. Mới đây nhất, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM), trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 10-3 đã cảnh báo rằng, Mỹ đang đối mặt nguy cơ ngày càng tăng về việc Trung Quốc tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng tại khu vực, thông qua việc liên tục tăng cường binh lực.

Theo người đứng đầu lực lượng quân sự Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cán cân quân sự ở khu vực này “đang bị lệch theo hướng bất lợi cho Mỹ và các đồng minh”. Đô đốc Philip Davidson lo ngại, “nếu tình trạng mất cân bằng quân sự tiếp diễn, Trung Quốc sẽ đến lúc “thử” thay đổi hiện trạng tại khu vực trước khi lực lượng Mỹ có thể xoay xở, tìm ra cách đáp trả hiệu quả”.

Trước cuộc điều trần của Đô đốc Philip Davidson, INDOPACOM trong một báo cáo gửi Quốc hội Mỹ đã nêu rõ, Trung Quốc đang đổ tiền của để gia tăng sức mạnh quân sự. Theo đó ước tính, tới năm 2025, Trung Quốc sẽ có 3 biên đội tác chiến tàu sân bay, 12 tàu đổ bộ tấn công, 1.950 máy bay tiêm kích, 225 máy bay ném bom, 110 tàu chiến mặt nước, 64 tàu ngầm hiện đại, khoảng 2.000 tên lửa đạn đạo các loại.

Với ngân sách khổng lồ chi cho quân sự, nhất là phát triển các loại vũ khí trang bị hiện đại, Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách sức mạnh quân sự với Mỹ. Thời báo Hoàn Cầu, phiên bản của tờ báo chính thống Nhân dân nhật báo, tỏ ra tự tin khi tuyên bố cho dù có đổ thêm núi tiền vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ không thể ngăn cản nổi sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thực tế thời gian qua cho thấy, cùng với sức mạnh quân sự gia tăng, Trung Quốc cũng gia tăng ảnh hưởng, và đặc biệt là các hành động hung hăng, gây hấn tại các vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan. Chính điều này đã gây ra tình hình căng thẳng, đe dọa lợi ích của tất cả các bên liên quan cũng như hòa bình, ổn định và an ninh.

Mỹ thời gian qua đã gia tăng cường độ, sự cứng rắn của các tuyên bố, biện pháp cũng như hành động mạnh mẽ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy, răn đe tham vọng của Trung Quốc, song đều chưa hiệu quả, chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh lùi bước hay nhân nhượng trước áp lực của Washington. Đô đốc Philip Davidson thừa nhận: “Sự xói mòn các biện pháp răn đe theo quy ước đối với Trung Quốc tạo ra mối nguy hiểm lớn cho cả Mỹ lẫn các nước trong khu vực”.

Không chỉ Mỹ và các quốc gia khu vực mà các cường quốc thế giới đều ngày càng thấy rõ mối đe dọa tới lợi ích của mình, đe dọa tới an ninh và ổn định từ sự trỗi dậy của sức mạnh Trung Quốc. Hợp tác, phối hợp hành động chặt chẽ hơn, ở tầm cao hơn do vậy là nhu cầu của Mỹ và đồng minh, đối tác để ứng phó với thách thức an ninh chung, trong đó Quad là một cơ chế, liên minh tiềm tàng.