Thông điệp từ các cuộc tập trận của nhóm "Tứ giác kim cương" trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù chưa phải là một hoạt động chung dưới danh nghĩa của nhóm nhưng việc cả 4 nước thành viên của “Tứ giác kim cương” cùng một lúc tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông và Ấn Độ Dương cho thấy sự xích lại gần nhau của “Bộ tứ” này trước những diễn biến mới trong khu vực liên quan đến Trung Quốc.    

Thông điệp từ các cuộc tập trận của nhóm "Tứ giác kim cương" trên Biển Đông ảnh 1Tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản và Australia tham gia tập trận ở Biển Đông

Sự hồi sinh của “Tứ giác kim cương”

Hồi đầu tuần, sau cuộc tập trận ở Biển Đông, hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Mỹ chia thành hai hướng để phối hợp tập trận với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, những nước nằm trong nhóm “Tứ giác kim cương”. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng 4 tàu của Australia gồm các tàu hộ vệ Stuart và Arunta, tàu khu trục Hobart, tàu đổ bộ trực thăng Canberra và tàu khu trục Teruzuki của Nhật Bản đã diễn tập tại biển Philippines.

Cùng thời gian đó, tàu sân bay USS Nimitz hướng về phía Tây, băng qua vùng biển gần Singapore tiến vào Ấn Độ Dương để tiến hành tập trận bắn đạn thật với 4 tàu chiến của hải quân Ấn Độ. Vị trí cuộc tập trận Mỹ - Ấn Độ nằm trên vùng biển giữa quần đảo Nicobar của Ấn Độ và đảo Sumatra của Indonesia, án ngữ tuyến đường tiến vào eo biển Malacca - cửa ngõ đi vào Biển Đông từ phía Tây. 

Việc cả 4 nước thuộc nhóm “Tứ giác kim cương” cùng lúc tiến hành các hoạt động phối hợp cho thấy việc hiện thực hóa ý tưởng hình thành nhóm ngày càng rõ ràng. Manh nha về nhóm “Bộ tứ” này xuất hiện từ năm 2004, khi Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cùng tham gia giúp đỡ các nước chịu thiệt hại nặng nề do vụ động đất gây sóng thần trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 

Năm 2007, trong nhiệm kỳ Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên của mình, ông Shinzo Abe đã khởi xướng học thuyết về một “liên minh 4 bên”, hay còn gọi là “Tứ giác kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, những nước mà ông gọi là “những nền dân chủ với tư duy tương đồng”. Dù vậy, vào thời điểm đó, Ấn Độ và Australia đã chần chừ tham dự vì lo ngại phản ứng từ phía Trung Quốc. 

Australia sau đó trấn an Trung Quốc rằng Canberra chỉ muốn hạn chế khuôn khổ hợp tác ở vấn đề thương mại và văn hóa. Còn Ấn Độ nhấn mạnh rằng “Bộ tứ” sẽ không bao gồm các mối quan hệ về an ninh.

Trở lại nắm quyền lần hai vào năm 2012, ngay ngày đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Shinzo Abe đã cho đăng tải một bài viết kêu gọi phát triển “kim cương an ninh dân chủ châu Á”. Tiếp đó, Ngoại trưởng Taro Kono tuyên bố Nhật Bản sẽ đề xuất “đối thoại cấp cao với Mỹ, Ấn Độ và Australia” để thúc đẩy thương mại tự do và hợp tác quốc phòng khắp Ấn Độ Dương, từ Biển Đông đến châu Phi.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng tỏ ra quan tâm đến mối liên kết “Bộ tứ” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong các chuyến thăm châu Á, tháng  11-2017, bên lề Hội nghị ASEAN và các cuộc gặp liên quan ở Philippines, quan chức 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đã gặp nhau và nhất trí hợp tác vì một “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và bao trùm”. Ý tưởng “Tứ giác kim cương” bắt đầu hồi sinh mạnh mẽ, bất chấp việc Trung Quốc cảnh báo các nước không nên “chính trị hóa việc hợp tác”.

Xích lại gần nhau để đối phó với thách thức chung

Đi tìm lời giải thích cho sự thay đổi trong cách nhìn nhận về sự cần thiết của “Tứ giác kim cương”, theo tờ South China Morning Post, Ấn Độ và Australia đã đổi ý sau khi chứng kiến toán tính của sáng kiến “Vành đai, Con đường” và tham vọng của Trung Quốc muốn thiết lập một trật tự thế giới mới, cùng với đó là việc Bắc Kinh ngày càng tỏ ra cứng rắn ở Biển Đông.

Có một thực tế là các nước thuộc “Tứ giác kim cương” đều có mâu thuẫn về lợi ích với Trung Quốc. Cạnh tranh Trung - Mỹ đã trở thành đối đầu chiến lược, mang tính không khoan nhượng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, quân sự. Với Nhật Bản, Trung Quốc có tranh chấp về lãnh thổ.

Trong Sách Trắng quốc phòng 2020, Nhật Bản nói rằng Trung Quốc vẫn không ngừng đơn phương tìm cách thay đổi nguyên trạng trên vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và điều này dẫn tới nhiều mối quan ngại lớn. Sách Trắng của Nhật bản nêu rõ: “Hải quân và không quân Trung Quốc những năm gần đây đã mở rộng và tăng cường các hoạt động xung quanh các vùng biển và không phận của Nhật Bản và có nhiều trường hợp liên quan tới hành động leo thang một phía”. 

Với Ấn Độ, cuộc đụng độ tại thung lũng Galwan trên dãy Himalaya với Trung Quốc hồi tháng 6 vừa rồi khiến hàng chục binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng đã khiến dư luận Ấn Độ thay đổi nhanh chóng trong thái độ với Trung Quốc, khiến New Dehli có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại.

Theo ông Patrick Gerard Buchan, Giám đốc Dự án các liên minh của Mỹ tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược có trụ sở ở Washington, dù mức độ thận trọng của Ấn Độ với “Tứ giác kim cương” chưa mất đi hoàn toàn nhưng nó đã được hạ thấp do những xung đột biên giới gần đây với Trung Quốc. Bằng chứng là Ấn Độ và Australia đã xích lại gần nhau bằng các thỏa thuận hồi tháng 6, cho phép hai bên sử dụng các căn cứ quân sự của nhau.

Với Australia, trong báo cáo chiến lược quốc phòng 2020, Australia đã có quan điểm hoài nghi hơn đối với Trung Quốc so với Sách Trắng cách đây 4 năm. Sách Trắng của Australia nêu rõ: “Kể từ 2016, các nước lớn đều ngày càng tích cực hơn trong việc tìm cách gia tăng ảnh hưởng, trong đó có cả những hành động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Australia đang lo ngại về các động thái như việc thiết lập các căn cứ quân sự có thể ảnh hưởng xấu tới sự ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khu vực hiện tại của chúng ta”.

Trong bối cảnh đó, các cuộc tập trận có sự tham gia của các nước thuộc “Tứ giác kim cương” cho thấy sự xích lại gần nhau của các nước này trước thách thức chung. Ông Patrick Cronin, Chủ tịch phụ trách an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson, cho rằng: “Các cuộc tập trận hải quân quốc tế đang diễn ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là những động thái mới cho thấy Ấn Độ, Australia và Nhật Bản dường như sẵn sàng rũ bỏ những e ngại trước đây về các cuộc tập trận đa phương”.

Trong diễn biến mới nhất, báo chí Ấn Độ ngày 10-7 đưa tin, hải quân nước này đang lên kế hoạch mời Australia dự cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar vào cuối năm nay. Tới thời điểm này, hải quân Mỹ và Nhật Bản đã nhận lời mời của Ấn Độ. Nếu kế hoạch này thành sự thật, đây sẽ là lần đầu tiên hải quân của 4 quốc gia trong nhóm “Bộ tứ” tại khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương sẽ cùng xuất hiện trong một cuộc diễn tập.