Thông điệp răn đe mạnh mẽ đối với tham vọng phi pháp ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Cộng đồng quốc tế không ngừng tiếp tục có những động thái mạnh mẽ trước các tham vọng chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác tại vùng biển chiến lược quan trọng này.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer cất cánh tiến hành tiếp dầu trên không thi thực phi vụ ở Biển Đông

Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer cất cánh tiến hành tiếp dầu trên không thi thực phi vụ ở Biển Đông

Mỹ tập trận “hiếm có” để răn đe Trung Quốc

Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ cho biết, chiếc máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer ngày 14-12 đã xuất kích từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam nằm giữa Thái Bình Dương để thực thi nhiệm vụ huấn luyện vũ khí dự phòng nhằm cải thiện khả năng phối hợp với các yếu tố chỉ huy và kiểm soát ở Biển Đông. PACOM cho biết thêm, chiếc máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer này sẽ phối hợp với một số đơn vị trong không quân Mỹ để “kiểm tra tư thế báo động cũng như mức độ sẵn sàng của căn cứ không quân Anderson đối với những mối đe dọa đối xứng và bất đối xứng”.

Theo giới quân sự, phi đội máy bay ném bom B-1B Lancer tham gia huấn luyện phản ứng nhanh với phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptors của Liên đội tiêm kích số 94 (FS94) thuộc không đoàn tiêm kích số 1, đóng tại căn cứ liên hợp Langley-Eustis (bang Virginia, Mỹ). Chỉ huy phi đội F-22 Raptors cho biết, nhiệm vụ lần này của phi đội là phối hợp với máy bay ném bom chiến lược B-1 và một số lực lượng khác của không quân Mỹ nhằm kiểm tra “năng lực cảnh báo và khả năng sẵn sàng của căn cứ Andersen trước các mối đe dọa”.

Việc các máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer cùng các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptors của Mỹ luyện tập để ứng phó với “các mối đe dọa ở Biển Đông” được không chỉ giới quân sự quan tâm. Sự kết hợp này được cho là “màn thị suy sức mạnh” của Mỹ tại vùng biển chiến lược đang “nóng” bởi các các hoạt động quân sự hóa nhằm thực hiện tham vọng chủ quyền phi pháp. Máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer là một trong những con “át chủ bài” của không quân Mỹ, có khả năng tấn công bất cứ nơi nào ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Oach tạc cơ này có phạm vi chiến đấu tới 5.500 km, cộng thêm tên lửa hành trình mang theo có tầm bắn hơn 1.000 km nên có ưu thế vượt trội so với đối thủ là máy bay ném bom tầm xa H-6 của Trung Quốc.

Tuy nhiên, máy bay ném bom B-1 Lancer có nhược điểm là dễ bị tấn công bởi máy bay tiêm kích, nên cần phải được hộ tống, bảo vệ bởi các máy bay tiêm kích, nhất là khi thực thi các phi vụ nằm trong khu vực mà đối thủ có thể triển khai lực lượng phòng thủ mạnh. Trong khi đó, F-22 Raptors là máy bay chiến đấu thế hệ 5, với khả năng tàng hình tiên tiến nhất thế giới, được xem là sự bảo vệ tối ưu cho B-1 Lancer.

Giới quân sự cho rằng, sự kết hợp giữa máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer và máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptors sẽ tạo thành “đội hình hoàn hảo” của không quân Mỹ trong thực thi nhiệm vụ. Đề cập tới phi vụ kết hợp giữa hai loại máy bay chiến đấu này của không quân Mỹ ở Biển Đông, PACOM cho rằng, đây là cuộc tập trận “hiếm có” nhằm ứng phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên vùng biển này.

Chung tay đáp trả yêu sách chủ quyền phi pháp

Những phi vụ hiệp đồng giữa máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer và máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptors trên không phận Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Mỹ gia tăng các hoạt động diễn tập, tập trận ở vùng biển này nhằm ứng phó với sự gia tăng các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc. Sau khi bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trong vụ Philippines kiện Trung Quốc hồi tháng 7-2016, Bắc Kinh đã ráo riết đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông nhằm dùng sức mạnh quân sự để áp đặt đòi hòi chủ quyền phi lý và phi pháp tại vùng biển này theo yêu sách “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ sa”.

Trung Quốc càng leo thang trong tham vọng chủ quyền phi pháp ở Biển Đông thì càng vấp phải sự đáp trả mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Mỹ sau khi giáng đòn pháp lý nặng nề vào tham vọng chủ quyền của Trung Quốc bằng việc đệ trình công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng 7 vừa qua đã lần đầu tiên công khai quan điểm của Mỹ khẳng định yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Cùng với những biện pháp pháp lý, Mỹ thời gian qua đã gia tăng các hành động trên thực địa nhằm răn đe tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Mỹ đã triển khai lực lượng cùng trang thiết bị vũ khí hiện đại nhất, có sức răn đe mạnh nhất trong kho vũ khí của mình tới hiện diện thường xuyên ở Biển Đông, trong đó có thời điểm triển khai đồng thời 3 biên đội tác chiến tàu sân bay tới để tập trận.

Đồng thời, Mỹ cũng gia tăng sự phối hợp với các đối tác, đồng minh triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Nhiều cường quốc có lợi ích liên quan tới tuyến vận tải biển huyết mạch qua Biển Đông và lợi ích địa chính trị ở khu vực cũng có những hành động thể hiện sự răn đe, đáp trả đối với tham vọng chủ quyền ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác tại đây.

Trong động thái thể hiện chính sách và hành động mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, Anh đã công bố điều động nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hiện đại nhất của nước này đến hoạt động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có các cuộc tập trận với Mỹ, Nhật Bản và Australia ở Biển Đông trong năm nay. Pháp sắp tập trận đổ bộ cùng với Mỹ và Nhật ở vùng biển chưa tiết lộ thuộc châu Á. Đức cũng dự kiến triển khai chiến hạm đến Thái Bình Dương để phối hợp tuần tra cùng hải quân Australia. Theo giới quan sát, đây là những động thái rõ ràng cho thấy, các nước châu Âu đang triển khai những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông.

Các nhà quan sát cho rằng, sự hợp tác giữa Mỹ và các đối tác, đồng minh nhằm ứng phó với yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ còn chặt chẽ hơn dưới thời ông Joe Biden, Tổng thống đắc cử của Mỹ. Với những cam kết hợp tác với đồng minh và đối tác trong việc đảm bảo lợi ích của Mỹ cũng như duy trì hòa bình, ổn định an ninh trên toàn cầu, chính quyền ông Joe Biden được cho là sẽ cùng cộng đồng quốc tế, trước hết là các đồng minh trong khu vực và ở châu Âu, cùng phối hợp hành động mạnh mẽ hơn nữa để đáp trả tham vọng chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, vùng biển chiến lược mà tất cả đều có lợi ích chung trong việc duy trì tự do hàng hải, hàng không vả đảm đảm hòa bình, an ninh.