Thời trang Việt: Nhà thiết kế nhiều khi chỉ như điểm nhấn

ANTĐ - Vài năm trở lại đây, con số các công ty dệt may tên tuổi tham gia Tuần lễ thời trang Việt Nam (Vietnam Fashion Week) cứ thưa dần. Mùa thời trang Thu Đông năm nay, trong danh sách tham dự chỉ còn May Việt Thắng. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông Ngô Trường Sơn, Giám đốc Kinh doanh nội địa - Công ty CP May Việt Thắng.

Thời trang Việt: Nhà thiết kế nhiều khi chỉ như điểm nhấn ảnh 1
Các mẫu thiết kế của Hoa hậu - NTK Ngọc Hân trong Tuần lễ thời trang Xuân Hè 2013

- PV: Thưa ông, nhìn vào danh sách tham dự Tuần lễ thời trang Việt Nam Thu Đông 2013, có vẻ như suy thoái kinh tế cũng đã tràn qua cả sàn diễn?

- Ông Ngô Trường Sơn: Sự suy thoái kinh tế không chừa ngành nghề nào. Bạn cứ thử dạo phố một vòng mà xem, rất nhiều các cửa hàng thời trang treo biển khuyến mãi, giảm giá. Sau Tết Nguyên đán, rất nhiều cửa hàng sang nhượng hoặc đóng cửa. Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh đã từng chia sẻ, sau mỗi Tuần lễ thời trang, còn được gặp lại nhà thiết kế nào, thì coi như NTK đó đã trụ vững trong thương trường vốn nhiều khốc liệt. 

- Các công ty chuyên về may mặc vẫn luôn coi các NTK như “con cưng”, vậy làm thế nào để giữ chân những người tài trong điều kiện kinh tế khó khăn này?

- Thật sự, đây không phải câu hỏi đầu tiên mà Ban Giám đốc May Việt Thắng nhận được. Rất nhiều công ty thời trang đã không giữ được các NTK ở lại. Hiệu quả các NTK mang lại cho May Việt Thắng bạn đã thấy được trong Tuần lễ thời trang Thu Đông là rất lớn, còn lợi ích mà chúng tôi mang lại cho các NTK đó là môi trường làm việc, sự đồng cảm, tạo điều kiện một cách tốt nhất cho các NTK học hỏi và phát huy vai trò cũng như năng lực bản thân. Có một điều khác nữa, nhiều công ty sử dụng NTK như điểm nhấn, như những bông hoa trang trí cho bề dày thành tích và thương hiệu chứ họ chưa khai thác hết phần tinh túy, khả năng của các NTK. 

- Không ít NTK thời trang từng kể rằng, khi đầu quân cho các công ty may mặc lớn họ bị coi không khác gì các kỹ thuật viên. Điều này có đúng?

- Các NTK khác các kỹ thuật viên ở tầm nhìn, độ tinh tế. Chúng tôi không coi các NTK như “gà đẻ trứng vàng”, kiểu như yêu cầu mỗi ngày người đó phải làm gì, thu được lợi nhuận bao nhiêu cho công ty mà chúng tôi đánh giá qua từng năm. NTK đã khiến các sản phẩm thay đổi thế nào, sự khác biệt của dòng sản phẩm trên thị trường, người tiêu dùng ủng hộ ra sao và sản phẩm của chúng tôi có thể chinh phục thị trường thời trang trong nước một cách tốt nhất. Kỹ thuật viên có thể giỏi về thông số và cách gia giảm trong quá trình may mặc nhưng họ không thể can thiệp về màu sắc chất liệu và những nguyên phụ liệu đính kèm sản phẩm, để sản phẩm có tính khác biệt, tính ứng dụng và một giá trị cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường.

- Ông đánh giá thế nào về các NTK thời trang của Việt Nam hiện tại? 

- Đó là những người có tâm huyết, thế hệ các NTK gần đây còn được đào tạo bài bản từ nước ngoài. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, thế vẫn chưa đủ. Tôi chỉ nói riêng về các NTK đang cộng tác với các công ty may trong nước. Trước đây ở một số công ty dệt may mà tôi được biết, thường có cả một đội ngũ NTK hùng hậu, nhưng sự thật là thời gian gắn bó của các NTK với công ty rất ngắn. Ai cũng hiểu một điều, các NTK không phải là yếu tố quyết định sản phẩm làm ra bán được hay không mà phải có sự kết hợp. Công ty cho họ thế mạnh là được đào tạo bài bản, chất liệu, đối tượng khách hàng có thể sử dụng sản phẩm của công ty. Bên cạnh đó công ty có thể sử dụng chất xám của họ, độ tinh tế, mỹ thuật, kiến thức, chất  liệu, kiểu dáng đó là việc của họ để đưa ra các kiểu dáng mẫu mã cho từng mùa.

- Ông có thể lý giải về mối duyên ngắn ngủi giữa  các NTK và các doanh nghiệp may mặc Việt Nam?

- Ở đây có 3 vấn đề. Tôi ví von hơi hình tượng thế này, một là các NTK như một miếng đất đã bạc màu, không tự làm mới mình, không còn giá trị sử dụng, không đột phá mà gây nhàm chán thì các công ty phải tự loại đi. Lý do thứ 2 là, trong khi các công ty như một bà đỡ giúp các NTK gắn kết ý tưởng, đưa vào sản xuất thì điều cần thiết ở đây là, cái “tôi” và cái “chúng ta” phải hòa nhập với nhau để ra một sản phẩm có chất lượng nhất, nhưng nhiều NTK cái “tôi” quá lớn, không thể dung hòa được. Vấn đề thứ ba  là một số nhà quản lý chỉ chuyên về kỹ thuật, kiểu như độ dài 3cm thì nhất định phải là 3cm mà không hề biết rằng, ý tưởng của các NTK nhiều khi bay bổng, họ cần có khoảng trượt, có thể dài hơn hoặc ngắn hơn. Nếu không dung hòa được điều này, mâu thuẫn dễ dàng xảy ra.

- Nhìn ra ngoài phố thấy bày tràn lan các sản phẩm Trung Quốc tôi lại thấy… con đường thời trang Việt còn lắm gian truân?

- Trước đây, ở Việt Nam có 2 trường đào tạo thiết kế thời trang là Mỹ thuật Công nghiệp và Đại học Mỹ thuật. Tại đây, họ chỉ được dạy thiết kế kiểu dáng, còn để làm sao may được chiếc áo đó thì các NTK chịu. Họ không được tiếp cận kỹ thuật may, và vì thế các NTK phải phụ thuộc vào cô thợ may trong khi cô thợ may thì lại không có kỹ thuật thiết kế. Trong khi đó ở Trung Quốc, họ có cả một tổ hợp chuyên nghiệp về tất cả các công đoạn trong may mặc. Ở TP.HCM có khu Tân Bình cũng chuyên làm các công đoạn thủ công trong may mặc, nhưng các đơn hàng nhỏ lẻ họ cũng không nhận, thường phải 30 sản phẩm trở lên. 

- Theo quan điểm của ông, bao giờ ngành thời trang Việt mới vươn ra biển lớn?

- “Design by Vietnam” là ước mơ của nhiều thế hệ các NTK như Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Đức Hùng. Tôi nghĩ để vươn ra biển lớn, rất cần Tập đoàn Dệt may Việt Nam quan tâm nhiều hơn đối với các sản phẩm may, không riêng của các công ty thành viên của Tập đoàn mà còn của các NTK tự do. Môi trường đào tạo các nhà thiết kế phải dạy kèm kỹ năng may, và khả năng sản xuất. Nói chung là sự kết hợp đồng bộ.