Thời trang đời người

ANTD.VN - Tự nhiên khi về nghỉ hưu, tức là đến ngưỡng 60 tuổi, bao nhiêu vẻ đạo mạo cầu kỳ về cái mặc tôi buông cái roẹt. Nói một cách văn vẻ thì gu thời trang của tôi sang một trang mới. Tôi đâm ra thích những gì giản tiện. Một đôi dép chất liệu nhẹ. Cái áo phông mỏng. Đặc biệt là quần soóc, điều mà trước đấy dù chỉ là ý nghĩ trong tôi cũng không hề có. Tóm lại là tôi có những thay đổi không nhỏ về cái sự mặc, điều khá quan trọng với đời người. 

Thời trang đời người ảnh 1Ảnh: Internet

Khi phát hiện ra điều này, tôi buộc phải nghĩ nghiêm túc về một đời người ăn mặc ra sao. Ừ nhỉ những gì liên quan đến sự mặc có bao nhiêu điều cần nhớ. Hình ảnh nhỏ nhất tôi nhớ được là bộ quần áo lính thủy dạo học vỡ lòng. Trong số ảnh hiếm hoi còn giữ được, mấy anh em tôi chuyên diện bộ đồ này.

Có thể là do bố mẹ tôi có ý thích ấy hoặc là do bố tôi đeo đuổi binh nghiệp nên có gu thời trang như thế. Lớn lên chút khi có chiến tranh phá hoại, đi sơ tán thì đồ mặc của mấy anh em rặt chỉ là một màu xanh giống y chang nhau. Tất cả quần áo sáng màu đều được nhuộm thành màu xanh, trong đó có màu phòng không kiểu như nước dưa, còn chủ yếu là xanh xí lâm. Đám trẻ làng thì lại nhiều màu nâu. Tôi vẫn nhớ như in những củ nâu to như ông bình vôi được bà ngoại tôi xả ra rồi nấu với nước thành một màu nâu sánh. Đem ngâm áo quần vải vóc, thậm chí cả màn xô vào chậu nước ấy rồi nấu sôi cho ngấu. 

Mùa đông những năm sơ tán rét ghê gớm. Cánh sơ tán còn có cái áo bông xanh bằng vải tiết kiệm, là những mảnh vải đầu thừa đuôi thẹo ghép lại rồi may thành áo. Thế cũng đã là tươm chán khi so với những đứa trẻ làng co ro phong phanh trong những manh áo mỏng. Thậm chí, có đứa bận nguyên áo tơi bện bằng lá cọ khô tùm hụp.

Đây thực ra là những cái áo tơi chống nắng mùa hè. Thấy lạ, tôi mượn mặc thử thấy hôi sì và nặng chịch. Nhưng công nhận nó ấm. Mũ rơm thì bắt buộc phải có để tránh mảnh đạn máy bay Mỹ theo quy định của nhà trường. Dạo gần hết thời sơ tán, bố mẹ tôi mang về trang bị cho mấy anh em một lô xích xông quần nhiều túi rộng thùng thình.

Tinh túi ốp bên ngoài nom rất kỳ quái. Đám trẻ làng gọi là quần bắt gà, vì những cái túi to đựng được cả con gà thật. Đấy là lô quần áo từ khối các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam. Quần rộng, chúng tôi phải xắn ống lên mấy gấu và dùng dải rút để bóp bụng. Khốn nạn, có lần bị tào tháo đuổi lại bị thắt nút, thế là xong đời với cái anh quần viện trợ. Những cái quần này sau lớn hơn chút đem tháo túi, bóp ống và cắt gấu mặc tươm phết. Vải nó cực tốt. 

Thời kỳ này tôi đã là gã choai choai biết để ý đến hình thức, nhưng vì học sinh kinh tế phụ thuộc nên có thích cũng chịu chết. Lúc đó, tôi ao ước có một chiếc quần simili và chiếc áo popelin. Đó là mốt của thanh niên hồi ấy. Phụ nữ là quần phíp, quần lụa, tất nhiên vẫn có quần vải tân thời.

Vải vóc là mặt hàng chiến lược được đưa vào tiêu chuẩn phân phối và cung cấp. Hộ nhân dân được 4 mét một người mỗi năm. Người Nhà nước trong biên chế thì 5 mét, hơn nhân dân 1 mét. Vì là phân phối nên có những quầy hàng vải chuyên bán theo phiếu, chẳng hạn Bách hóa tổng hợp, cửa hàng 12 Bờ Hồ, Bách hóa Hàng Đào… Thế nên mới có dân phe chuyên các loại phiếu, trong đó có phiếu vải. Khi chiến tranh kết thúc năm 1975 mốt diện đồ lính vẫn rất thịnh hành. Gọi là bận đồ dõng. Tôi ngờ rằng cách gọi này liên quan đến lính. Thì lính thời trước chả gọi dõng là gì. 

Cánh thanh niên các khu tập thể quân đội thì mặc đặc biệt hơn. Mũ cối quần gabadin áo phin tá hoặc áo bay. Gặp cánh quân khu này tốt nhất là tránh xa đỡ phải rước hoạ. Không hiểu sao cánh lính trận chúng tôi lúc giải ngũ lại không thích mặc đồ lính.

Vào những lúc hệ trọng, anh nào cũng thích diện comple. Lúc này cánh lính lục tục lấy vợ nên ai nấy đều chắt bóp cố thửa bằng được một bộ để đi phù rể hoặc cưới vợ. Tôi lấy vợ muộn nên phá nát hai bộ, rút cục đến khi lấy vợ vẫn phải đi mượn. Và anh có bộ comple cho mượn kia thậm chí đến tận bây giờ còn chưa lấy vợ. 

Quần áo thời kỳ đó đúng là khó khăn, nhất là đồ mặc chống rét. Tôi nhớ cứ ước mơ mãi một cái áo lông Đức và phải rất vất vả đánh đổi nhiều thứ mới có được. Áo len càng khan hiếm. Người ta dùng sợi để đan áo, dệt áo, chứ len thì không phải ai cũng có. Phải đến khi đổi mới xóa bỏ bao cấp thì thời trang phố thực sự được giải phóng.

Dạo 75, mốt quần loe áo xanh tê được du nhập từ Sài Gòn ra Hà Nội, nhưng rồi những mốt này cũng lỗi nhịp và chết ngỏm. Suốt một thời kỳ dài, người dân ăn mặc cứ na ná giống nhau. Chiến tranh thì màu ngụy trang. Hòa bình thì cũng chỉ đơn giản mấy màu ghi, trắng chứ chẳng được xanh đỏ tím vàng như bây giờ. Nhất là cái kiểu mặc áo đại cán mùa đông nó cũng quen thuộc như cái cặp lồng tòng teng treo trên ghi đông xe đạp.

Khi đất nước mở cửa, kinh tế khá lên là lúc thời trang phố được tiệm cận với thế giới. Mọi người đã có điều kiện để mặc ấm, mặc đẹp. Tôi lúc này có dăm bảy bộ comple thửa. Giày các thương hiệu thế giới hàng chục đôi. Quần áo các mùa cũng vậy, được lựa chọn cẩn thận. Nói không ngoa, cú đổi mới xóa bao cấp thực sự là cú hích vĩ đại. Chỉ riêng ở ngành thời trang thì đổi mới đã trực tiếp làm đẹp cho bao nhiêu con người.

Thời trang đời người của tôi chỉ dựa vào những gì mình trải qua nên cũng chẳng kể được nhiều. Lại nghĩ đến sự thay đổi của bản thân về thời trang khi vào ngưỡng lục tuần. Nhớ ra, bố tôi cùng những người đồng lứa có thẩm mỹ thời trang rất cẩn trọng. Soóc kaki vàng, áo sơ mi trắng mùa hè, đi xăng đan.

Mùa đông, thật đúng comple đủ từ ghi lê đến mũ phớt, cà vạt, không luôm nhuôm như thế hệ chúng tôi. Những lúc hội họp thì cứ câu tiếng Việt lại chêm vào một câu tiếng Pháp, toa moa thật vui tai và sang trọng. Có lẽ thế hệ sinh từ ngày sau hòa bình như tôi là yếu kém nhiều thứ nhất.

Ngoại ngữ và ngay cả thời trang cũng chẳng bằng được cha anh và lớp trẻ sau này. Dù gì thì vẫn còn nhiều điều để nhớ về thời trang của một đời người với bao kỷ niệm và sự trân trọng.

Phan Rang 25-8-2016