Thói quen sai lầm về an toàn thực phẩm cần bỏ ngay

ANTD.VN - Những sai lầm trong chế biến và bảo quản thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thói quen sai lầm về an toàn thực phẩm cần bỏ ngay ảnh 1

Nên rửa rau dưới vòi nước sạch từ 2-3 lần và ngâm trong nước

Lò vi sóng có thể giết hết vi khuẩn

Các chuyên gia ẩm thực khuyến cáo nên sử dụng nhiệt kế thực phẩm để kiểm tra các điểm khác nhau của thức ăn khi dùng trong lò vi sóng, để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Bởi lò vi sóng là hoàn toàn an toàn về mặt bức xạ, nhưng cũng không phải là thiết bị có thể tiêu diệt được mọi vi khuẩn.

Rửa thịt là một cách tốt nhất để giữ an toàn

Theo các nhà nghiên cứu, rửa thịt hoặc thịt gia cầm thực sự là nguy hiểm hơn nhiều so với đơn giản là nấu ăn đúng cách. Nếu rửa thịt chưa nấu, đặc biệt là thịt gà, dễ lây lan vi khuẩn salmonella hoặc các vi khuẩn khác khắp nhà bếp, làm cho nguy cơ phát tán bệnh càng mạnh, nếu chạm vào thịt sống. Mặt khác, nếu chế biến, nấu thịt gà đúng cách, hiệu quả giết chết vi khuẩn nguy hiểm là rất cao.

Trứng không cần rửa trước khi cho vào tủ lạnh 

Tại Mỹ, trứng được rửa sạch để hạn chế nhiễm khuẩn, điều này loại bỏ một lớp phủ tự nhiên, hạn chế vi khuẩn thâm nhập. Những người ủng hộ rửa trứng cho rằng rửa sẽ loại bỏ được mọi vi khuẩn nguy hiểm ngay từ ban đầu, và có thể giữ chúng an toàn trong tủ lạnh, trong khi những người không rửa lại cho rằng nên giữ chúng an toàn như vốn có.

Để miếng xốp rửa bát ngâm quá lâu trong bồn

Một công trình nghiên cứu xuất bản năm 2017 đã chỉ ra một sự thật không ngờ, rằng miếng xốp rửa bát là mầm mống to lớn nhất, dơ bẩn nhất gây ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, bằng cách đặt miếng xốp vào máy rửa chén ở chế độ sấy hoặc nhúng ướt chúng rồi cho vào lò vi sóng trong một phút sẽ phần nào giảm được lượng vi khuẩn tích tụ.

Sử dụng thớt không đúng cách

Thớt gỗ chứa đầy những lỗ hổng gây khó khăn trong việc vệ sinh, và thớt tre cũng không ngoại lệ. Nếu đã từng mua một bộ thớt, chúng ta sẽ thấy những chiếc thớt được sơn màu khác nhau, hoặc thậm chí được in chữ lên để phân biệt từng loại dùng cho thịt, cá, rau củ nhằm tránh lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm.

Để thức ăn bên ngoài quá lâu

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thức ăn đặt trong mức nhiệt nguy hiểm càng lâu thì càng có nguy cơ gây bệnh cho người dùng. Phương pháp tối ưu để bảo quản là chúng ta phải giữ nóng các thực phẩm nóng (từ 60 độ C trở lên) và giữ lạnh các thực phẩm lạnh (từ 4 độ C trở xuống). Nếu không có điều kiện bảo quản thích hợp thì thực phẩm chỉ an toàn để sử dụng trong vòng 2 giờ kể từ lúc nấu.

Dùng hộp nhựa trong lò vi sóng

Nhiều người thường có thói quen sử dụng các bao plastic hoặc hộp nhựa để làm nóng thức ăn trong lò vi sóng mà không biết rằng chúng chứa chất gây ung thư cực nguy hiểm. Đặc biệt, khi bạn quay nóng lên, các độc tố này sẽ theo vào thực phẩm rồi gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Chính vì vậy, bạn hãy dùng đồ thủy tinh, sành, sứ để thay thế hộp nhựa mỗi khi cần làm nóng thức ăn trong lò vi sóng.

Ngâm rau trong nước muối

Nhiều người vẫn có thói quen ngâm rau, củ quả bằng nước muối trước khi chế biến để khử độc, đảm bảo an toàn cho thực phẩm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chưa một dung dịch nào có thể loại trừ hoàn toàn thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản trên các loại rau, củ và các thực phẩm khác.Cách làm này hoàn toàn sai lầm thậm chí còn khiến các hóa chất hóa học nếu có trong rau khó hòa tan trong nước. Tốt nhất, sau khi mua rau về nhà, người tiêu dùng nên rửa rau dưới vòi nước sạch từ 2-3 lần và ngâm trong nước (không cho muối). 

Vo gạo quá kỹ

Nhiều người thường có thói quen vo 4 - 5 lần nước đến khi nước gạo mất đi màu trắng đục và chỉ còn lại màu trắng trong. Đây chính là thói quen sai lầm làm mất đi chất dinh dưỡng trong gạo. Theo nghiên cứu, lượng sắt, kẽm mất đi trung bình trong quá trình vo gạo, nấu cơm dao động từ 79,9 - 96,5%. Vitamin nhóm B cũng bị mất đi tới 70 - 95% trong quá trình xay xát và vo gạo.

Chần thịt qua nước sôi

Để loại bỏ tạp chất và giảm nguy cơ thịt nhiễm độc, nhiều bà nội trợ có thói quen chần thịt qua nước đun sôi nhiều lần rồi mới đem chế biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây là cách làm sai lầm. Việc chần thịt qua nước sôi không thể loại bỏ tạp chất trong thịt thậm chí còn khiến các chất độc nếu có trong thịt sẽ thấm ngược trở lại vào bên trong.

Nguyên nhân là do, khi cho thịt vào nước đun sôi sẽ làm miếng thịt biến tính co lại làm cho thịt “ngậm” chặt các hóa chất bẩn mà không đào thải ra bên ngoài. Cách hữu hiệu để loại bỏ chất bẩn và hóa chất có trong thịt lợn là, khi mua về nên rửa thịt bằng nước sạch nhiều lần. Ngoài ra, có thể dùng muối hoặc nước muối pha loãng rửa thịt, sau đó rửa lại bằng nước sạch.