Thời điểm thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN - Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục là mối đe dọa với mỗi người dân, tiêm vaccine đã trở thành biện pháp quan trọng hàng đầu để kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh. Nhưng để nhanh chóng có đủ nguồn vaccine tiêm đại trà cho người dân, cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Người dân tham gia đóng góp mua vaccine phòng Covid-19

Người dân tham gia đóng góp mua vaccine phòng Covid-19

“Vũ khí” để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công Covid-19

Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của người dân trong cả nước, Việt Nam đã khống chế thành công 3 đợt dịch và đang từng bước kiểm soát đợt dịch thứ 4.

Nhưng cho đến nay, trong cuộc chiến với Covid-19, chúng ta vẫn phải ở thế phòng ngự. Hơn một năm nay, tấm khiên phòng thủ chủ yếu là những biện pháp phòng chống hiệu quả, là ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định “5K” của Bộ Y tế. Dịch bệnh được khống chế nhưng cuộc sống thì vẫn chưa thể trở lại bình thường.

Không những thế, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 (từ ngày 27-4-2021) cho thấy dịch bệnh khó lường thế nào. Chủng virus mới có khả năng lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn dẫn đến tình trạng chỉ trong vòng một tháng, cả nước đã có thêm cả nghìn ca dương tính với SARS-CoV-2, hàng vạn F1, hàng chục vạn F2 là công nhân, viên chức, người lao động, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên hàng ngày; hàng trăm doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

Để có thể “chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công” dịch bệnh như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, vaccine ngừa Covid-19 là “vũ khí” quan trọng hàng đầu. Thực tế trên thế giới cho thấy tiêm vaccine tạo miễn dịch cộng đồng là con đường duy nhất giúp các quốc gia thoát khỏi nỗi ám ảnh kéo dài của dịch bệnh. Việc cách ly, phong tỏa, truy vết dù có làm triệt để đến mấy cũng không thể là lá chắn hoàn hảo ngăn chặn những con virus nguy hiểm.

Chính vì thế, vào thời điểm hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục đề cao quy định “5K”, mục tiêu đảm bảo đủ vaccine, triển khai nhanh, hiệu quả và an toàn kế hoạch tiêm vac cine có ý nghĩa chiến lược, quyết định rất lớn đến thành quả chống dịch và việc đưa xã hội trở lại nhịp sống bình thường, cũng như thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế cho năm 2021 và những năm tiếp theo của Việt Nam.

Để mọi người dân đều được tiếp cận vaccine phòng Covid-19, ngay từ tháng 2-2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho chủ trương về tổ chức mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Ngày 16-4-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP yêu cầu tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 khẩn trương, an toàn. Tiếp đó, Chính phủ đã trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27-4-2021 về việc sử dụng hơn 12.000 tỷ đồng tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2020 để mua vaccine phòng Covid-19. Đến ngày 18-5-2021, Chính phủ lại ban hành tiếp nghị quyết về việc tổ chức thực hiện mua vaccine một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm phòng trên diện rộng cho nhân dân.

Sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng sẽ góp phần chiến thắng dịch bệnh

Chủ trương của Đảng và Nhà nước đã rõ ràng. Tuy nhiên, để có đủ và kịp thời số lượng vaccine cần thiết đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, bởi vaccine phòng Covid-19 có giá thành khá cao, điều kiện bảo quản tương đối ngặt nghèo; việc tiếp cận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine cũng đòi hỏi yêu cầu khác biệt. Theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam dự kiến sẽ mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người. Tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua vaccine khoảng 21.000 tỷ đồng; chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối và tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỷ đồng.

Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, mục tiêu tiêm phòng cho toàn dân sẽ gặp không ít khó khăn. Nhà nước chủ trương tiêm vaccine miễn phí cho người dân là nhân văn và cần thiết nhưng nguồn lực của Nhà nước cũng có hạn. Nếu dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hàng năm sẽ còn tăng, đòi hỏi thêm các nguồn kinh phí. Để thực hiện chiến lược tiếp cận vaccine phòng Covid-19 nhanh nhất, rộng nhất, việc huy động sự đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp và mỗi người dân là điều hết sức cần thiết.

Trên thực tế, ngay khi lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được nhập về Việt Nam vào cuối tháng 2 vừa qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi, vận động quyên góp gây quỹ mua vaccine để toàn dân được tiêm chủng miễn phí. Chính phủ cũng đã có chủ trương bên cạnh nguồn ngân sách cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với Nhà nước mua đủ số lượng vaccine tiêm kịp thời cho người dân.

Trên cơ sở đó, ngày 26-5 vừa rồi, Quỹ vaccine phòng Covid-19 đã được thành lập để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng bổ sung thêm vào khoản ngân sách 16.000 tỷ đồng của Trung ương, để đạt mục tiêu có đủ 25.200 tỷ đồng mua 150 triệu liều vaccine như dự tính.

Đến nay, tổng số liều vaccine Covid-19 mà Việt Nam có được thông qua đàm phán là hơn 100 triệu liều, bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX Facility để mua thêm khoảng 10 triệu liều theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí và hiện nay đang nỗ lực đàm phán để từ nay đến cuối năm có đủ 150 triệu liều vaccine tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ.

Việt Nam là dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức. Chính nhờ vậy, không khó khăn nào mà chúng ta không thể vượt qua. Trong thời điểm hiện nay, hãy tích cực hưởng ứng Quỹ vaccine phòng Covid-19, làm sao để phong trào xã hội hóa nguồn kinh phí mua vaccine phòng dịch lan tỏa trong cộng đồng, được các tầng lớp nhân dân quan tâm, tích cực hưởng ứng. Đây chính là thể hiện sinh động truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Sự đồng lòng, chung sức của mỗi người dân, mỗi tập thể sẽ góp phần cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh.