Thời đại công nghệ 4.0, đường sắt vẫn "chạy chân đất, cầm cờ bắt tàu"

ANTD.VN - Tai nạn liên tiếp xảy ra, hàng loạt quan chức ngành đường sắt đã bị Bộ GTVT kỷ luật. Dù có vậy, đường sắt vẫn kẽo kẹt chạy trên đường ray khổ 1m lỗi thời, thông tin tín hiệu đường sắt vẫn thủ công theo kiểu “công nhân chân đất, cầm cờ “bắt" tàu”.

Văn hóa... nhanh chân

Báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018 cả nước đã xảy ra 143 vụ TNGT đường sắt, làm tử vong 67 người, bị thương 104 người; 316 vụ ô tô đâm, va giàn chắn, cần chắn tại các đường ngang có gác và đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động, trong đó có đường ngang bị đâm, va gần 30 lần; 17 vụ người điều khiển ôtô cố tình vượt qua đường sắt khi tàu gần đến; 119 vị trí lối đi tự mở đã được thu hẹp nhưng vẫn bị đối tượng xấu phá vỡ nhiều lần...

Qua phân tích TNGT đường sắt nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông đường bộ ý thức chấp hành pháp luật còn kém, thiếu chú ý quan sát; các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ quá nhiều, đặc biệt còn tồn tại nhiều lối đi tự mở.

Một con số thống kê cho thấy, đường sắt có 5.719 giao cắt đồng mức, trong đó đường ngang chính tắc có 1.519, còn lại là 4.200 lối đi tự mở. Hiện, đường sắt có 654 rào chắn và gác chắn ở các đường ngang, hơn 800 đường ngang chưa có.

Văn hóa "tranh thủ" băng qua đường ngang khi rào chắn đang kéo vẫn còn tồn tại phổ biến

“70% số vụ TNGT là lối đi tự mở và đường ngang dân sinh. Đây là vấn đề cốt lõi và cực kỳ nan giải trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR nhìn nhận.

Dù đánh giá, trong số các vụ TNGT đường sắt thời gian qua có do lỗi chủ quan, nhưng người đứng đầu VNR cũng cho rằng, giải pháp đầu tiên quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân.

“Mỗi người chỉ cần 30 giây nhìn khi băng qua đường ngang giao cắt với đường sắt thì sẽ không bao giờ xảy ra tai nạn.

Chỉ 30 giây nhưng đổi cả cuộc đời, liệu có xứng đáng không? Có nhiều gác chắn nhân viên đường sắt đã kéo rồi nhưng ôtô, xe máy vẫn cố vượt. Trong vòng một năm qua, có trên 100 vụ đâm gãy cần chắn. Cần chắn tự động không phải bức tường bê tông cốt thép nên nhiều chủ xe thản niên nâng lên để vượt quá.

Thậm chí, vẫn còn một bộ phận người dân khi băng qua đường sắt còn tồn tại… văn hóa nhanh chân”, ông Minh chia sẻ.

Xách đèn tuần đường sắt

Theo lãnh đạo VNR, đường sắt đang phụ thuốc rất nhiều vào yếu tố con người và yếu tố tác nghiệp. Do đó, đường sắt hạn chế sự cố phụ thuộc vào tác nghiệp bằng cách đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Chủ tịch HĐTV VNR bày tỏ: “Ngành đường sắt có câu nói vui mà thật “3 năm đèn sách để 30 năm xách đèn”, tức là học trong trường 3 năm để ra trường xách đèn đi tuần đường, vẫn công nghệ lạc hậu đó.

Hay khi phát hiện tàu chạy thông qua ga, nhân viên đường sắt phải chạy ngược lại để yêu cầu tàu dừng lại, nếu có sự cố. Thực trạng này đã khiến lãnh đạo đường sắt phải đặt vấn đề “thế kỷ 21 rồi mà vẫn cầm cờ, chạy ngược chiều để bắt tàu? Ngành đường sắt thì thấy bình thường, nhưng thực tế rất bất cập”.

Để khắc phục tình trạng này, VNR đã yêu cầu phải lắp điện thoại trên tàu, để nếu có sự cố xảy ra, trưởng ban trực tàu liên lạc ngay với trên tàu mà không phải “chân đất chạy bắt tàu”.

Bên cạnh đó, VNR cũng yêu cầu lắp camera hành trình để kiểm soát, lắp đặt camera trong cabin tàu để kiểm soát hành vi của lái tàu và phụ tàu, lắp camera tại các nhà ga, trong phòng trực ban và hướng tới lắp tại các ghi tự động.

Ngành đường sắt đã lắp các ghi tự động nhưng không dám rút người gác ghi vì sợ ga không có hàng rào đầy đủ, trâu bò đi qua, hoặc trẻ con chạy vào… nên vẫn phải bố trí người gác. Do đó, đơn vị hướng tới lắp camera vào ghi để người trực ban qua camera tác động được vào ghi, không phụ thuộc vào người gác ghi.

“Lỗi chủ quan tác nghiệp phải chấn chỉnh ngay. Đường sắt vẫn là phương tiện an toàn nhất, một năm có rất nhiều chuyến tàu và tai nạn xảy ra đa phần là đối tượng đường bộ đi qua đường ngang ngang, còn đoàn tàu chỉ là hy hữu”, ông Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, với nguồn vốn được “rót” cả gói 7.000 tỷ đồng mới đây, ngoài việc thực hiện các công trình thiết yếu như đồng nhất tải trọng toàn tuyến tăng năng lực thông qua và cả tốc độ chạy tàu, VNR cũng tính toán phải xây dựng 42km hàng rào, đường gom để đóng các lối đi dân sinh đảm bảo an toàn giao thông.