Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11:

Thổi bùng tình yêu Tổ quốc

ANTĐ - Sáng qua, 24-2, cả nghìn người yêu thơ đã đến với Văn Miếu Quốc Tử Giám, hòa mình vào không khí thi ca trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11. Mang chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc”, ngày thơ năm nay không chỉ là dịp để những người yêu thơ hội tụ mà còn là dịp để thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu Tổ quốc.

Lễ rước bài thơ “Thần” từ hồ Văn về san Đại Bái. Ảnh: HỒ NHƯ Ý

“Thơ già” hút khách 

Hơn 10 năm qua, Ngày thơ Việt Nam với sự kết hợp giữa quá khứ và hiện đại, truyền thống và đổi mới đã trở thành một dấu ấn văn hóa, một sự kiện được người yêu thơ mong đợi nhất trong năm. Sau lời tuyên bố khai mạc ngắn gọn của Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, lễ rước bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt được các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam trang trọng rước từ hồ Văn sang sân nhà Đại bái, nơi diễn ra các nghi thức chính. Đã 11 năm qua, mỗi khi tác phẩm “Nam Quốc Sơn Hà”, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam được tuyên đọc tại ngày thơ: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”  luôn mang đến cho những người tham dự sự tự hào về Tổ quốc, niềm xúc động chân thành. Sân thơ truyền thống - người yêu thơ lâu nay vẫn vui vẻ gọi là “sân thơ già” còn tiếp nối với tác phẩm của Đại đức Thích Trường Xuân - “Những tiếng chuông hồng”. Không chỉ gửi tới những người tham dự lời chúc năm mới bình an, bài thơ còn hướng người nghe đến với một tình yêu lớn, cao cả, vĩnh hằng - tình yêu với đất trời quê hương, với biển đảo nơi biên cương xa xôi đầu sóng ngọn gió “… Chín mươi triệu chuông hồng/ Đồng thanh cùng biển hát/ Vĩnh hằng cho non sông”.

Không trọng diễn xuất, giản dị mà hào sảng, sân thơ truyền thống tiếp nối bởi các tác phẩm của các nhà thơ như Nguyễn Hữu Quý, Phạm Vân Anh, Đoàn Mạnh Phương, Dương Thuấn… Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, bảnh bao hơn ngày thường, lên sân khấu đọc “Tổ quốc nhìn từ biển” trong rưng rưng nước mắt: “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa/Đã mười lần giặc đến tự biển Đông/Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử/Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng…”. Nhà thơ, dịch giả Hữu Việt dù còn bận rộn với vai trò Tổng đạo diễn Sân thơ trẻ cũng vui vẻ “chạy sô” sang sân thơ truyền thống với tác phẩm “Những ngày sơ tán”… Đặc biệt, nhà thơ người Mỹ Bruce Weight.. cũng đem đến Ngày thơ Việt Nam 2013 âm hưởng lắng sâu, đầy ắp niềm khát khao về cuộc sống hòa bình.

Cái hay của sân thơ truyền thống năm nay là kết hợp giữa bản sắc dân tộc và thơ mới, những bài thơ về biển đảo được cộng hưởng và tri âm… Từ lúc mở màn cho tới lúc kết thúc, sân thơ truyền thống luôn chật kín khán giả. Điều này cho thấy, thế hệ trẻ hôm nay không hề quay lưng với thi ca, nhất là thi ca yêu nước. Và cần lắm những tác phẩm nói lên được hơi thở thời đại, khát vọng mơ ước của dân tộc.

Màn thả thơ kết thúc Ngày thơ 2013

Thơ trẻ, chưa thật độc đáo

Hướng về Tổ quốc cũng là chủ đề của Sân thơ Trẻ năm nay được tổ chức trên sân nhà Thái Học. Ngoài những gương mặt quen thuộc như: Lữ Thị Mai, Nguyễn Anh Vũ, Thụy Anh… thơ trẻ còn đón chào các tác giả mới như: Miên Di, Bình Nguyên Trang, Du Nguyên. Tổ khúc “Tổ quốc và Tình yêu” qua phần trình diễn của 9 nhà thơ với phần đệm đàn của nghệ sĩ piano Nguyễn Đức Trường và nghệ sĩ violon Đoàn Phương Thảo cũng để lại những ấn tượng nhất định trong lòng người nghe và xem. Sinh viên của 6 trường đại học như: Đại Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH KHXH&NV, ĐH Bách khoa Hà Nội... cũng góp vui bằng màn hát, múa, nhảy sôi động. Những trải nghiệm trong những chuyến đi Trường Sa, tình cảm chân thành với những người lính đảo, đã được nhạc sỹ, họa sỹ Lê Tâm và nhóm Belcanto mang đến Sân thơ Trẻ 2013 qua ca khúc “Đồng hương Trường Sa của tôi”, và đó cũng là một điểm nhấn cho sân chơi này.

Đúng 11h, màn thả thơ được thực hiện, kết thúc Ngày thơ Việt Nam. 50 câu thơ xuất sắc của các thế hệ nhà thơ Việt Nam được gửi lên trời xanh. Mỗi câu thơ là một lời ước vọng, cho đất nước hòa bình, bền vững và phát triển.