Thoát "vùng trũng" du lịch

ANTĐ - Du lịch Việt Nam vốn đã quá nhàm chán với những “điệp khúc” như sản phẩm nghèo nàn, du khách “một đi không trở lại” nay xuất hiện thêm thực trạng đáng lo ngại: doanh nghiệp du lịch Việt “nối giáo” cho doanh nghiệp Trung Quốc đưa hướng dẫn viên “chui” vào thao túng, làm loạn thị trường.

Hiện nay, Bộ VH-TT&DL vẫn chưa có bất cứ quy định nào liên quan đến việc cấp phép cho hướng dẫn viên người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Lợi dụng “lỗ hổng” này, một số công ty du lịch Việt đã qua mặt cơ quan chức năng, sử dụng những hướng dẫn viên người Trung Quốc để tháp tùng du khách nước này “đổ bộ” vào những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở miền Trung. Đội quân hướng dẫn viên “chui” này không chỉ hoành hành, làm loạn thị trường du lịch nước ta, nguy hại hơn họ còn là những tuyên truyền viên tung tin, bóp méo sự thật trắng trợn về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ngay trên đất nước ta.

Dù mới đây, cơ quan chức năng đã rút giấy phép hoạt động của một công ty giả mạo giấy tờ làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi “treo”: hiện tượng này phải chăng cũng giống như việc gà thải loại từ Trung Quốc ùa vào nước ta cách đây vài năm? Rõ ràng, việc quản lý thị trường du lịch ở địa phương quá lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng, đến mức để doanh nghiệp nước ngoài với hướng dẫn viên của họ hoạt động ngang nhiên.

Trong khi đó, ngành du lịch thực sự chưa nhìn lại mình. Những tồn tại, yếu kém từ hàng chục năm nay dường như không có gì thay đổi. Địa phương nào cũng vẫn chỉ loanh quanh với những sản phẩm đơn điệu, nhàm chán. Ngay cả những festival du lịch “đua nở” khắp nơi thì cũng na ná một kịch bản như nhau. Sự liên kết du lịch vùng miền chưa đủ sức gắn kết tạo nên động lực thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá.

Việt Nam có hơn chục di sản thế giới, trong khi nhiều nước láng giềng dù ít hơn nhưng số lượng du khách nước ngoài của họ mỗi năm mỗi tăng. Đặc biệt, tỷ lệ tiêu tiền của du khách phải tính bằng con số hàng nghìn USD, chứ không như khi đến Việt Nam, họ không biết đi đâu chơi, không có chỗ tiêu tiền. Thậm chí khi trở về nước, túi tiền hầu như vẫn nguyên vẹn.

Không phủ nhận những nỗ lực của ngành du lịch, nhưng như thế vẫn chưa đủ khi so sánh với các nước trong khu vực. Nếu ngành kinh tế nhiều tiềm năng này không tự soi mình một cách nghiêm túc để tìm ra giải pháp thì còn lâu mới thoát khỏi “vùng trũng” du lịch ASEAN, chứ chưa nói tới bước ra hội nhập thế giới.