Thoát khỏi vòng xoáy

ANTĐ - Nền kinh tế nước ta lại một lần nữa phải đối mặt với suy giảm kinh tế. Điều này đã được Ngân hàng Thế giới đưa ra lời cảnh báo trong báo cáo “Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” từ giữa năm 2011. Trong đó dự báo nền kinh tế sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: Chống lạm phát - chống suy giảm phục hồi tăng trưởng - chống lạm phát ổn định vĩ mô - chống suy giảm kinh tế. Cái vòng xoáy này bắt đầu từ năm 2008, sang 2009, đến 2010, rồi kéo dài suốt từ 2011 đến nay.

Báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội cũng cấp báo năng lực sản xuất trong nước đang suy giảm. Trong số 32 mặt hàng chủ yếu của ngành công nghiệp, có 18 ngành có tốc độ tăng trưởng giảm mạnh. Chi phí đầu vào như xăng dầu, điện, khí đốt, chi phí nhân công tăng cao, tình trạng tồn kho và lãi suất cho vay cao đã “đánh” mạnh vào hoạt động của doanh nghiệp. Liên quan đến lạm phát, báo cáo này nhận định tăng chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội và TP.HCM ở mức thấp bất thường cũng chứng tỏ những hậu quả kéo dài từ năm 2011, đặc biệt là suy giảm, tổng cầu đang tác động mạnh tới nền kinh tế trong quý I-2012 và kéo sang cả quý II. 

Ủy ban kinh tế Quốc hội bày tỏ lo ngại về đợt suy giảm kinh tế mới khó tránh khỏi.

Điều gì đã đẩy nền kinh tế rơi vào vòng xoáy “đình trệ - lạm phát” trong suốt 5 năm mà vẫn không thoát ra nổi? Câu trả lời đã được các chuyên gia kinh tế giải đáp là, nền kinh tế bắt nguồn từ cơ cấu kinh tế lạc hậu, khi đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước quá lớn nhưng lại thiếu hiệu quả. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã “mổ xẻ” tương quan giữa mức độ tăng vốn đầu tư, tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát, qua 3 kế hoạch 5 năm, từ năm 1996 đến năm 2010 để rút ra kết luận: nền kinh tế hoạt động ngày càng  kém hiệu quả thể hiện ở chỗ đầu tư liên tục tăng với nhịp độ ngày càng cao, trong khi tốc độ tăng GDP hầu như không thay đổi, còn lạm phát lại tăng rất nhanh. Hệ quả là nền kinh tế đi vào vòng xoáy “đình trệ - lạm phát”. 

Thực ra, không ít chuyên gia đã “bắt bệnh” nền kinh tế và chỉ ra nguyên nhân sâu xa là mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta chủ yếu dựa trên nền tảng đầu tư theo chiều rộng và chất lượng đầu tư ngày càng giảm. Hơn thế khu vực doanh nghiệp Nhà nước đầu tư tràn lan, chiếm nguồn lực lớn nhưng đầu tư phân tán, dàn trải. Từ đó, khoảng cách giữa đầu tư và tiết kiệm luôn ở mức cao tới 10% trong nhiều năm qua. Hệ quả là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đòi hỏi đầu tư tăng cao và mở rộng đầu tư nên khoảng cách đầu tư - tiết kiệm bị kéo doãng ra. Để bù đắp khoảng cách này có thể phải dùng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, song vì nguồn vốn này cũng giảm sút do khó khăn chung của kinh tế thế giới nên buộc lòng trở lại dùng vốn trong nước vì thế gây ra lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô. Theo nguyên Bộ trưởng Thương mại, Đầu tư lại chủ yếu rót vào doanh nghiệp Nhà nước mà phần lớn hoạt động kém hiệu quả nên càng khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn.  

Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn, “lạm phát - đình trệ”, Chính phủ đã đưa ra Đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Song trước mắt, mạnh hơn cả quyết định giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra giải pháp chính thức hóa việc đảo nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn, “bơm” thêm vốn cho những doanh nghiệp có khả năng tồn tại. Đây mới thực sư là “liều thuốc” mà doanh nghiệp đang cần, nhằm tiếp sức hồi phục sản xuất kinh doanh.