Thoát khỏi vòng xoáy

ANTĐ - Nhìn vào biểu đồ tốc độ tăng, giảm một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, có thể thấy rõ có tới năm “điểm sáng” trên bức tranh kinh tế. Đồng thời cũng lộ rõ ba “điểm tối”, những hạn chế, bất cập và thách thức không nhỏ. Bức tranh kinh tế đan xen “sáng tối” là những dấu hiệu chứng tỏ khả năng sẽ xuất hiện “vòng xoáy” rất đáng lo ngại: lạm phát - giảm phát - thiểu phát.

Năm điểm sáng đó là gì? Sáng rõ nhất là xuất nhập khẩu và nhập siêu. Xuất khẩu trong 7 tháng qua đạt kim ngạch 51,46 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, tăng tới 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô xuất khẩu lớn hơn nhiều so với cả năm 2007. Với đà này, chưa cần tới một tháng nữa là vượt mức đỉnh xuất khẩu cả năm 2009 và chỉ không đầy một tháng rưỡi nữa sẽ vượt qua kỷ lục 62,7 tỷ USD của năm 2008. Đây quả là tín hiệu sáng sủa cho thấy, cả năm nay hoàn toàn “cầm chắc” 86 tỷ USD kim ngạch, vượt xa so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Chính tốc độ tăng của xuất khẩu cao hơn nhập khẩu đã “kéo mạnh” nhập siêu trong 7 tháng xuống còn 6,64 tỷ USD, giảm 850 triệu USD so với cùng kỳ. Do đó, tỷ lệ nhập siêu cũng giảm xuống 12,9% so với 19,4% của năm trước và thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch theo nghị quyết của Quốc hội. Điểm sáng rất đáng mừng là thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng thêm, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường tự do bị thu hẹp. Đáng khích lệ là điểm sáng trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Tháng 7 có xu hướng tăng cả về vốn đăng ký mới, số vốn giải ngân so với cùng kỳ năm 2010, mặc dù điều kiện phục hồi kinh tế còn không ít khó khăn so với dự báo trước đây. Điểm sáng cuối cùng tuy không “rực rỡ” như mấy điểm trước nhưng cũng có sức lan tỏa. Đó là sản xuất công nghiệp, ngành kinh tế có tỷ trọng lớn nhất và tốc độ tăng cao nhất, đầu tàu và động lực của toàn bộ nền kinh tế, cho dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù những điểm sáng là gam màu chủ đạo của bức tranh kinh tế, song mảng tối đáng quan tâm nhất vẫn là lạm phát ở mức cao.

Khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng tới 1,17% so với 1,09% của tháng 6, đẩy CPI sau 7 tháng lên đến 14,61%. Chắc chắn cái đích CPI cả năm 15-17% càng trở nên xa vời. Đương nhiên khi lạm phát tăng cao thì khả năng hạ mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay đã được đề ra từ nhiều tháng nay lại càng khó thực hiện hơn. Như vậy sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và công ăn việc làm của người lao động, việc đảm bảo an sinh xã hội vì thế trở nên căng thẳng hơn. Một khó khăn đã được cảnh báo là giá vàng thế giới liên tục leo thang, kéo giá vàng trong nước lên theo vượt xa so với “đỉnh” cũ.  Chừng nào giá vàng trong nước vẫn còn thấp hơn  giá vàng thế giới thì nó sẽ còn tăng tiếp. Việc xuất khẩu vàng vẫn gia tăng dù có một số ý kiến cho rằng, không nên xuất khẩu vàng trong khi các nước nhập khẩu vàng sẽ gây ra “chảy máu” vàng, gây áp lực lên tỷ giá. Còn một “điểm tối” nhỏ cũng đáng lưu ý là tiêu thụ trong nước tăng thấp so với sự “co hẹp” của vốn đầu tư, rồi lãi suất tăng cao làm suy giảm tăng trưởng GDP.

Vòng xoáy lạm phát - giảm phát - thiểu phát như một quy luật đã được cảnh báo, đang có “triệu chứng” trở lại. Đúng vào kỳ họp Quốc hội này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã hoàn thành bản kiến nghị “Kinh tế Việt Nam - những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn”. Bản kiến nghị được tổng hợp trên cơ sở ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu Quốc hội. Dày hơn 40 trang gồm 10 điều kiến nghị, có thể coi đây là “chìa khóa” mở lối thoát khỏi vòng xoáy trên, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững trong trung và dài hạn.