Thoái vốn, không thoái thác

ANTĐ - Đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trở thành “điểm nóng” nhất hiện nay, đặc biệt là các khoản tiền “khủng” được ném vào tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… những lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm và rủi ro rất cao. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ đã “bấm nút” yêu cầu, hạn chót đến năm 2015, các “đại gia” phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư “tay trái”, bảo đảm công khai, minh bạch bảo toàn cao nhất phần vốn, tài sản Nhà nước.

Thực tế những năm gần đây chứng tỏ, tất cả các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành kinh doanh chỉ “gặt hái” được những quả đắng, quả lép. Một luồng ý cho rằng nếu không cho họ đầu tư ra ngoài hàng rào thì làm sao trụ nổi?

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp lại nhấn mạnh, về mặt pháp luật đầu tư ngoài ngành không phải là sai. Việc thành lập các doanh nghiệp nhà nước, trước hết là nhằm mục tiêu thực hiện những nhiệm vụ được nhà nước giao. Việc chính được giao không hoàn thành tốt lại “nhảy” vào những ngành khác nhằm kiếm lời, làm phân tán, hao hụt nguồn lực, ở góc độ nào đó còn gây ra cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

Thoái vốn là đòi hỏi cấp thiết và cấp bách, song không có nghĩa là “bán đổ, bán tháo”, mà phải bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản nhà nước. Không phải không có lý khi nhiều chuyên gia, một số quan chức cũng như dư luận lo ngại, cảnh báo tình trạng thoái vốn vội vàng, thậm chí quá “sốt sắng” của một số tập đoàn, tổng công ty. Dẫn đầu là Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thuộc tốp đầu bảng trong danh sách các “ông lớn”… vượt rào đầu tư ra ngoài ngành, đều khá “hăng hái” trong việc thoái vốn. Thái độ quyết liệt của Chính phủ, mốc thời gian đã được ấn định, song việc thoái vốn cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu Nhà nước cho thoái vốn ồ ạt hàng nghìn tỷ đồng, chẳng hạn như trên thị trường chứng khoán, thì thị trường khó có thể “tiêu hóa” được.

Một số đại biểu Quốc hội từng lên tiếng mạnh mẽ về sự ưu ái, “nuông chiều” quá mức của Chính phủ đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cũng như không giấu được nỗi băn khoăn, lo lắng về tình trạng thoái vốn hấp tấp, nóng vội. Tất nhiên, thoái vốn là để lấy lại nguồn lực cho doanh nghiệp tái cấu trúc. Thế nhưng, với số vốn đầu tư ngoài ngành ước tính lên tới 21.000 tỷ đồng cộng với tình trạng doanh nghiệp “ốm yếu” như hiện nay, thử hỏi số vốn này bán cho ai, bán như thế nào? Có nhiều cách thoái vốn, ví dụ như chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước hoặc mua bán, hoán đổi, chuyển sang những doanh nghiệp có cùng ngành nghề, đúng lĩnh vực. Dù bằng cách nào thì cũng không thể đi ngược với nguyên tắc “thoái vốn nhưng không được để mất vốn”. 

Để bảo toàn cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước, rõ ràng không thể nóng vội, không giám sát chặt chẽ thì thoái vốn chỉ làm thất thoát thêm tài sản nhà nước. Thoái vốn không có nghĩa là thoái thác trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục