Thỏa thuận hạt nhân JCPOA trước nguy cơ sụp đổ

ANTD.VN - Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc hàng đầu thế giới có nguy cơ sụp đổ sau khi Mỹ tuyên bố đơn phương rút khỏi còn Tehran thông báo trữ lượng uranium vượt ngưỡng cho phép của thỏa thuận.

Thỏa thuận hạt nhân JCPOA trước nguy cơ sụp đổ ảnh 1Iran thông báo trữ lượng uranium làm giàu của nước này đã vượt ngưỡng cho phép của thỏa thuận JCPOA

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1-7 đã cảnh báo rằng Iran “đang đùa với lửa” sau khi quốc gia Trung Đông này thông báo lượng dự trữ uranium làm giàu của họ đã vượt qua giới hạn cho phép của thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). JCPOA từng được mô tả là thỏa thuận lịch sử nhằm giải quyết chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran khi được ký kết giữa đại diện của Iran với Nhóm P+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc, cùng với Đức) vào tháng 8-2015.

Tuyên bố được xem như là thông điệp cảnh báo mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong thông báo đưa ra trước đó 1 ngày (ngày 30-6) bất ngờ xác nhận lượng dự trữ uranium làm giàu của nước này đã vượt qua giới hạn cho phép theo của thỏa thuận JCPOA. Giải thích về vấn đề này, Ngoại trưởng Zarif cho rằng, Iran không vi phạm JCPOA mà chỉ hành động theo điều khoản số 36 của thỏa thuận hạt nhân này sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 8-2018. 

Thỏa thuận hạt nhân JCPOA quy định Iran chỉ được phép làm giàu uranium ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90%, mức đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân và mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận này được ký kết. Bên cạnh đó, Tehran được phép sản xuất uranium có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng uranium dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Trong khi đó, theo xác nhận của Ngoại trưởng Iran, khối lượng uranium của nước này đã vượt hạn mức 300 kg dự trữ uranium theo cam kết trong thỏa thuận JCPOA. Ông Zarif còn cảnh báo thêm rằng, Iran sẽ làm giàu uranium ở cấp độ trên 3,67% nếu các nước châu Âu không cứu vãn được thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận JCPOA không mấy bất ngờ bởi khi còn chạy đua tranh cử, ông đã cho rằng thỏa thuận này “không công bằng” và cam kết rút khỏi nếu đắc cử. Tuy nhiên, việc Iran bất ngờ xác nhận trữ lượng uranium vượt ngưỡng cho phép của thỏa thuận đã gây không ít ngạc nhiên.

Nguyên nhân “xé rào” JCPOA được Tehran đưa ra là do Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Tehran lại bỗng dưng “vạch áo cho người xem lưng”, không những thế, họ còn có thể phải đối mặt với đòn trừng phạt nặng tay hơn từ Washington; mà đây là động thái có chủ đích nhằm gây áp lực để các cường quốc quay lại bàn đàm phán về thỏa thuận JCPOA.

Trước đó, vào đầu tháng 5 vừa qua, Iran đã cho biết sẽ giảm bớt một số cam kết trong JCPOA, đồng thời tuyên bố “ra tối hậu thư” cho các quốc gia châu Âu 60 ngày thực thi các cam kết của thỏa thuận liên quan tới lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng. Tehran tuyên bố, nếu “tối hậu thư” này không được thực hiện, Iran sẽ khôi phục lại chương trình hạt nhân của nước này.

Có thể thấy, thay vì ngồi vào thương lượng, hai “nhân vật chính” trong thỏa thuận JCPOA là Mỹ và Iran lại dùng chính sách “cây gậy” để gây áp lực với đối phương. Giới quan sát bởi thế đang lo ngại JCPOA đứng trước nguy cơ sụp đổ nếu những người trong cuộc vẫn giữ lập trường đối đầu cứng rắn trong vấn đề này.