Thơ Xuân Quỳnh: Còn mãi một tình yêu

(ANTĐ) - Xưa nhưng chưa bao giờ cũ, những vần thơ dung dị, nồng nàn như không có tuổi của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh một lần nữa làm bao trái tim bồi hồi. Có lẽ vì thế buổi ra mắt tuyển tập thơ Xuân Quỳnh - “Không bao giờ là cuối” lại là dịp để những người yêu mến chị dù quen hay lạ, cũng nán lại ôn những kỷ niệm về nữ thi sĩ tài hoa bạc mệnh...

Thơ Xuân Quỳnh: Còn mãi một tình yêu

(ANTĐ) - Xưa nhưng chưa bao giờ cũ, những vần thơ dung dị, nồng nàn như không có tuổi của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh một lần nữa làm bao trái tim bồi hồi. Có lẽ vì thế buổi ra mắt tuyển tập thơ Xuân Quỳnh - “Không bao giờ là cuối” lại là dịp để những người yêu mến chị dù quen hay lạ, cũng nán lại ôn những kỷ niệm về nữ thi sĩ tài hoa bạc mệnh...

Nữ sĩ Xuân Quỳnh
Nữ sĩ Xuân Quỳnh

Khán phòng Trung tâm Văn hóa Pháp tối 28-2 chật kín người đến dự buổi ra mắt tuyển tập thơ Xuân Quỳnh. Lạ thay, nhiều người trong số ấy còn trẻ, rất trẻ. Họ mê thơ Xuân Quỳnh nên rủ nhau đến dẫu chưa một lần nhìn thấy chị, dù chỉ là qua ảnh. Và cái lý do cho sự “mê” ấy rất đời mà cũng lại rất thơ, là bởi trong những lúc khó khăn trong cuộc sống, những vần thơ của chị giống như điểm tựa tâm hồn giúp họ “vin” vào mà đứng dậy. Có lẽ bởi thế nên không quá lời khi ai đó cho rằng trong từng cung bậc cảm xúc, trong hành trang sống của mỗi người đều chứa chan mạch thơ của chị.

Nhận mình là người bắt được “tín hiệu” thơ Xuân Quỳnh từ rất sớm Tiến sĩ Chu Văn Sơn, người từng viết cuốn sách “Xuân Quỳnh - cánh chuồn chuồn trong giông bão” luôn trăn trở về chị - người đàn bà phía sau những vần thơ. Trong ký ức của ông thì Xuân Quỳnh từ nhỏ đã sống trong mặc cảm mồ côi khi phải chứng kiến cảnh gia đình tan vỡ.

Chính vì thế trong thơ của chị dường như luôn khao khát về một mái che bình yên giữa cuộc đời. Để rồi, khi tổ ấm đầu tiên tự tay chị vun vén lại rơi vào đổ vỡ thì mặc cảm đó càng lớn hơn, khao khát có được hạnh phúc càng mãnh liệt và sâu sắc hơn. Thế nên khi nhìn hay đặt bút viết bất cứ điều gì, chị cũng liên tưởng đến hình ảnh tổ ấm. Từ những vòm cây, mái phố, chị hình dung ra mái che cho đời mình...

Bìa tuyển thơ
Bìa tuyển thơ

Không chỉ được biết đến là một tài năng trong thi ca, trong cuộc sống,  nữ thi sĩ của “Sóng” còn được biết đến là một người đàn bà thông minh và hóm hỉnh. Nhà thơ Lê Minh Khuê - người bạn một thời của Xuân Quỳnh xúc động nhớ lại một lần, chị ngỏ ý hỏi Xuân Quỳnh làm sao để “đuổi khéo“ những người đàn ông “không mời cũng đến”, Xuân Quỳnh cười rồi nửa đùa nửa thật: “Cứ hỏi vay tiền, vay ít cũng được. Thể nào họ cũng chạy hết“.

Ký ức về nhà thơ Xuân Quỳnh còn sống dậy trong hồi ức của Lưu Tuấn Anh và Lưu Minh Vũ, những người đã từng được che chở, dạy dỗ dưới vòng tay của chị. Nói về người mẹ của mình, Lưu Tuấn Anh tâm sự rằng gạt ra ngoài những yếu tố về văn chương, về thơ ca thì điều lớn lao nhất mà bản thân anh cảm nhận được ở người mẹ của mình là sự toàn tâm với gia đình, sống hết mình với thơ ca và lòng nhân ái vô bờ bến với cuộc sống.

Di sản thơ mà nhà thơ Xuân Quỳnh để lại cho chúng ta vượt ra ngoài giá trị của thơ ca. Trong tuyển tập thơ mới nhất của chị, người ta bắt gặp lại những bài thơ tình viết tặng Lưu Quang Vũ - người chồng mà chị yêu sâu sắc đến tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời cho đến những vần thơ chở nặng trăn trở ưu tư về cuộc đời giữa “những năm tháng không yên” của đất nước và lòng người. Trong tập thơ còn bắt gặp một Xuân Quỳnh tươi trẻ, nồng hậu qua những trang viết dành cho thiếu nhi. Những vần thơ ấy đã gieo vào lòng người tình yêu cuộc sống, tình yêu con người và yêu nhân thế.

Thơ Xuân Quỳnh giúp người ta chiêm nghiệm ra một điều bất biến rằng: còn sống là còn yêu. Bởi vậy nên khi nhắc về chị, không ít cây bút lãng mạn bậc nhất thi đàn Việt không tiếc dành tặng những lời rất đẹp như: “rất nữ tính, rất đàn bà và rất tình yêu”. Cũng bởi đời thơ Xuân Quỳnh trọn vẹn là cuộc đời của một người đàn bà dù có trải qua bao sóng gió vẫn cứ yêu đời, yêu thơ và không bao giờ chối bỏ tình yêu. Đó hình như cũng là điều khiến nhiều thế hệ độc giả trước kia, bây giờ và cả sau này vẫn yêu mến chị.            

Hồ Viết Thịnh