Thổ Nhĩ Kỳ và “bài học chiếc đũa” khi mua HQ-9 của Trung Quốc

ANTĐ - Ngày 26-9, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý trao cho Trung Quốc một hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD cung cấp một hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tầm xa, một động thái có thể khiến hệ thống phòng không này không được tích hợp với cấu trúc phòng thủ tên lửa hiện tại của NATO ở nước này.

Hợp đồng được cho là có giá trị khoảng 3 tỷ USD này đã được trao cho Tập đoàn Xuất-Nhập khẩu Cơ khí chính xác Trung Quốc (CPMEIC), nơi sản xuất hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tầm xa HQ-9 của Trung Quốc.

Quyết định mua hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, mang tên T-Loramids, từ nhà thầu Trung Quốc được đưa ra tại một cuộc họp hôm Thứ 5 của Ủy ban Điều hành Công nghiệp Quốc phòng, cơ quan giám sát các quyết định mua sắm quốc phòng lớn và do Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đứng đầu.

Các đối thủ khác tham gia hợp đồng này còn bao gồm liên danh Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ, đề xuất hệ thống phòng không Patriot; công ty Rosoboronexport của Nga, cung cấp hệ thống phòng không S-300; và tập đoàn Eurosam của Italia và Pháp, tiếp thị hệ thống phòng không SAMP/T Aster 30.

Hợp đồng này ban đầu dự kiến có giá trị 4 tỷ USD, nhưng một quan chức phụ trách mua sắm quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, nhà sản xuất Trung Quốc đã giảm đề xuất của họ xuống còn khoảng 3 tỷ USD, cái giá mà không đối thủ nào chịu được, vì không muốn bị lỗ.

Hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc

Hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa T-Loramids bao gồm radar, bệ phóng và tên lửa đánh chặn. Hệ thống được thiết kế để đánh chặn cả máy bay và tên lửa của đối phương. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ chưa có hệ thống phòng không tầm xa nào.

CPMEIC cho biết họ sẽ hợp tác cùng sản xuất hệ thống phòng không này với các nhà thầu chính và phụ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và nhà phân tích cảnh báo rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể không được phép tích hợp hệ thống phòng không Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ này, vào hầu hết các phương tiện cảnh báo sớm của NATO.

Tuy nhiên, một quan chức quân sự cao cấp của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách mảng các hệ thống phòng không NATO đã cho rằng, hệ thống phòng không Patriot của NATO có khả năng phát hiện, đo đạc, tấn công các mục tiêu bay và hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng hoạt động độc lập như vậy.

Lí luận của vị quan chức này hoàn toàn đúng nhưng nó chỉ đúng nếu như ông chỉ là một sĩ quan cấp thấp chứ không phải là một quan chức quốc phòng tầm cỡ. Bất cứ hệ thống phòng không nào được sản xuất cũng đều có khả năng tác chiến độc lập, nhưng nó chỉ phát huy được tối đa khả năng nếu được tích hợp trong một chỉnh thể hệ thống phòng không quốc gia.

HQ-9 sẽ được hệ thống nào bảo vệ giống như Pansir-S bảo vệ S-300?

Mua HQ-9 về, nếu không tích hợp được với các hệ thống cảnh báo sớm của NATO thì có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khoanh vùng, giao các mục tiêu trọng điểm phòng không cho một mình HQ-9 chăng? Nó sẽ làm được gì nếu không thể phối hợp được với tất cả các hệ thống radar cảnh báo sớm, các loại máy bay chiến đấu, các hệ thống phòng không tầm trung và tầm thấp khác?

Bất cứ hệ thống phòng không chiến lược nào cũng cần các hệ thống đánh chặn chiến thuật để bảo vệ, nếu không nó sẽ thành mồi ngon cho các loại vũ khí tấn công chính xác. Và HQ-9 sẽ được cái gì bảo vệ, nếu các hệ thống radar và truyền số liệu của không thể kết nối với các hệ thống tên lửa tầm ngắn chiến thuật giống như người Nga vẫn dùng Pantsir-S để bảo vệ S-300 và S-400?

Thổ Nhĩ Kỳ có thể giải bài toán này bằng một thiết bị trung gian, nhưng liệu NATO có chấp nhận chia sẻ mã nguồn các hệ thống của họ cho 1 thiết bị trung gian không phải của Mỹ và ngược lại, Trung Quốc cũng thế. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng HQ-9 độc lập với các hệ thống phòng không và không quân của họ, thì chúng chỉ là những mảnh ghép rời rạc, không phát huy được hết khả năng tổng hợp của hệ thống phòng không quốc gia. Những chiếc đũa bị tháo rời khỏi bó đũa, rất dễ bị bẻ gãy!