Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ 'rồng lửa' S-400 để được mua tiêm kích F-35?

ANTD.VN - Thổ Nhĩ Kỳ đang có những bước tiến đáng kể trong các cuộc thảo luận với Mỹ về kế hoạch loại bỏ hệ thống phòng không S-400 Nga. Động thái này nhằm tạo điều kiện cho Ankara mua lại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35.
Vào tháng 7/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức bị loại khỏi chương trình máy bay tiêm kích F-35 sau khi bắt đầu nhận được các thành phần của hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã ám chỉ đến khả năng mua máy bay chiến đấu của Nga như Su-35 hoặc Su-57 để thay thế F-35, tuy nhiên tính thực tế của lựa chọn này vẫn còn là dấu hỏi.

Tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, sự hội nhập sâu sắc với các cấu trúc quân sự cũng như sự phụ thuộc lớn vào phương Tây về chuyển giao công nghệ, thương mại, chính trị và hỗ trợ quân sự đều đặt ra những rào cản đáng kể.

Sau khi đàm phán với Washington, Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ sẽ chuyển trọng tâm từ việc mua máy bay chiến đấu F-16 sang ưu tiên được nối lại việc việc mua F-35.

Theo thông tin từ hãng truyền thông Hy Lạp Kathimerini, Mỹ đã đưa ra một đề xuất chi tiết vào mùa hè 2024 để giải quyết vấn đề gây tranh cãi về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Đề xuất này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ giữ tên lửa trên lãnh thổ của mình nhưng thực tế là chuyển giao quyền kiểm soát cho Mỹ.
Trong các cuộc thảo luận đang diễn ra, các quan chức cấp cao của Mỹ đã đề xuất di chuyển các hệ thống S-400 đến khu vực do Mỹ kiểm soát tại căn cứ Incirlik ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến lược này nhằm mục đích cứu vãn danh dự Thổ Nhĩ bằng cách không yêu cầu đảo ngược trực tiếp quyết định của mình, đồng thời đảm bảo rằng không có điều khoản nào trong hợp đồng của nước này với Nga bị vi phạm.

Bất chấp sự phức tạp của vấn đề, cả hai bên hiện có vẻ muốn đạt được một kết luận thành công. Một nghị quyết sẽ giải quyết đáng kể một vấn đề lớn đối với Washington và NATO đồng thời cho phép Ankara tái gia nhập chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35.
Michael Rubin, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và cựu quan chức Lầu Năm Góc, giải thích với hãng tin Kathimerini rằng, các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã nâng đề xuất lên mức cao nhất vào tháng 7.
“Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 1-2/7/2024, Celeste Wallander, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế và Michael Carpenter, cố vấn đặc biệt của Tổng thống về châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đã thảo luận về việc khôi phục thỏa thuận F-35 với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Để đổi lấy việc tái gia nhập chương trình F-35, họ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bàn giao các hệ thống S-400 cho Mỹ hoặc di dời chúng đến khu vực do Washington kiểm soát tại căn cứ Incirlik”, ông Michael Rubin cho biết.
Đại sứ quán Mỹ tại Ankara đưa tin rằng Wallander và Carpenter đã thảo luận về việc mở rộng các lĩnh vực để tăng cường quan hệ đối tác với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ quốc phòng lâu dài.
Theo nguồn tin từ hãng tin Kathimerini, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ ở giai đoạn này không mấy tích cực.
Tuy nhiên Kathimerini cho biết: "Mặc dù Ankara đã tuyên bố họ sẽ giữ hệ thống S-400 bên trong lãnh thổ. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn chưa kết thúc. Việc khôi phục lại thỏa thuận F-35 sẽ là chủ đề được Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm khi các nhà lãnh đạo và quan chức an ninh gặp nhau tại Đại hội đồng Liên hợp quốc".
Tình hình này cũng làm dấy lên khả năng các hệ thống S-400 có thể được quân đội Mỹ thử nghiệm. Các cuộc thử nghiệm như vậy sẽ giúp lực lượng này hiểu sâu về S-400 của Nga. Nếu đạt được thỏa thuận như vậy, nó sẽ có tác động sâu sắc đến khả năng tác chiến trên không của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang dựa vào các chiến đấu cơ F-16 và F-4 cũ, tuy nhiên chúng dần yếu thế trong tác chiến hiện đại.
Đối với Washington và cộng đồng phương Tây nói chung, việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình F-35 sẽ là một động thái có lợi rất lớn cả về địa chính trị và quân sự.