Thịt và phụ phẩm tươi sống chỉ được bán trong 8 giờ: Nghi ngờ tính khả thi

ANTĐ - Thông tư số 33/2012/TT - BNN&PTNT quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo ATTP  đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm của Bộ NN&PTNT vừa “ra đời” đã gặp phải sự phản ứng khá dữ dội từ người dân và một số sở, ngành.

Ai sẽ kiểm soát thịt tươi sống các loại được bày bán tràn lan tại chợ? (ảnh chụp trưa 10-8)

Đánh đố người kinh doanh

Sáng 10-8, có mặt tại hầu hết các chợ trên địa bàn Hà Nội, các quầy hàng với đủ các loại thực phẩm tươi sống từ thịt gà, thịt lợn, thịt bò, thịt ếch,… đều được bày bán với số lượng lớn. 11h sáng, tại chợ Ngô Sĩ Liên, những quầy thịt lợn với những tảng thịt lớn, nhỏ đang được người bán hàng pha chế, phân loại. Cùng đó, thịt gà làm sẵn và các loại thịt tươi sống khác cũng bày bán la liệt. Chị Nguyễn Thu Nga, chủ một quầy hàng chuyên bán thịt lợn có thâm niên trong chợ cho hay: “Không hiểu trước khi ra quy định về việc thịt tươi sống chỉ được phép bán trong vòng 8 giờ, các cơ quan quản lý có hiểu tình hình kinh doanh của những tiểu thương chúng tôi hay không. Bởi, việc kinh doanh không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ, có lúc đông khách, lúc vắng khách, ngày thuận lợi, ngày không. Chưa kể mỗi ngày, chúng tôi phải nhập thịt từ chợ đầu mối, hoặc từ các lò mổ, về tới quầy hàng đã mất 2-3 giờ vận chuyển. Sau khi đem về lại mất thời gian lọc, sơ chế, phân loại. Như vậy, thời gian còn lại để bán hết số thịt tối đa chỉ đến 11h trưa thì chẳng khác gì quy định đang làm khó những người kinh doanh nhỏ, lẻ như chúng tôi…”.

Trong khi đó, tại khu vực chợ Thành Công, một chủ quầy bán thịt bò ví von: “Quy định này chẳng khác nào đánh đố người kinh doanh vì nếu chỉ có 8 giờ, không ai sẽ đảm bảo bán hết lượng hàng đã nhập. Chẳng lẽ, nếu không bán hết hàng chúng tôi lại đem vứt đi. Nếu quy định này được áp dụng, chắc chắn tôi sẽ phải giảm lượng hàng nhập vào để tránh rủi ro…”. Theo hầu hết các hộ kinh doanh thịt tươi sống tại các chợ, thì phần lớn họ đều phải bán đến 11-12h trưa. Nếu không bán hết trong buổi sáng, số thịt này sẽ được bán vào buổi chiều. Trong trường hợp ế khách, không bán hết, họ sẽ đem về bảo quản trong tủ lạnh rồi bán tiếp vào hôm sau. Tuy nhiên, hiện tình trạng ế ẩm đang diễn ra ở khắp các chợ, các chủ quầy hàng đã nhập hàng “có cữ” với số lượng rất hạn chế. Hơn nữa, theo quy định mới thịt tươi sống bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C mới được bán trong vòng 72 giờ xem ra không khả thi. Vì theo chị Nguyễn Thu An, chủ quầy hàng thịt lợn tại chợ Thành Công thì như vậy tất cả tiểu thương trong chợ phải có tủ đông lạnh ngay tại quầy hàng. “Trong điều kiện kinh doanh chật chội như hiện nay, cộng với tình hình an ninh chưa được đảm bảo thì khó mà nói việc đầu tư tủ đông lạnh tại các quầy hàng mang tính khả thi”, chị An phân trần. 

Hướng dẫn phải cụ thể

Bên cạnh những thông tin hoài nghi về tính khả thi của quy định từ chủ quầy hàng tại các chợ thì theo ghi nhận của phóng viên nhiều người tiêu dùng cho rằng quy định thịt và phụ phẩm tươi sống để ở nhiệt độ thường chỉ được bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ là cần thiết, nhưng Bộ NN&PTNT phải hướng dẫn cụ thể hơn. Bà Trần Thị Hạc, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên nhận xét: “Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm đang được nhiều người dân quan tâm. Nhiều lúc đi chợ, tôi cũng rất băn khoăn khi chọn mua thực phẩm tươi sống về chế biến trong mỗi bữa ăn. Nếu quy định này được thực hiện một cách nghiêm túc và có những biện pháp cụ thể để kiểm soát chặt chẽ thời gian lượng hàng tiêu thụ thì tôi tin rằng, thực phẩm tươi sống đang được bày bán tại các chợ sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), phục vụ người dân được tốt hơn”. 

Theo ông Trịnh Ngọc Lâm - Trưởng BQL chợ Đống Đa, hiện các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thịt tươi sống tại chợ Ngã Tư Sở chỉ bán vào buổi sáng. Tại đây luôn có đội thú y của quận túc trực để kiểm dịch các mặt hàng gia súc, gia cầm tươi sống bày bán. Thông thường, tại các lò mổ, cơ quan kiểm dịch đã kiểm dịch trước khi các chủ quầy hàng đưa thịt về các chợ. Sau đó, lượng hàng này lại tiếp tục được đội thú y trong chợ kiểm dịch, nên mặt hàng tươi sống được bày bán có chất lượng khá đảm bảo. Hơn nữa, do chợ chủ yếu họp vào buổi sáng nên các chủ quầy hàng cũng lấy hàng hạn chế, để chỉ bán trong buổi sáng là hết. Tuy nhiên, đối với những chợ bán thịt lợn cả ngày cần được cơ quan kiểm dịch kiểm tra thường xuyên. Trong trường hợp, các hộ kinh doanh muốn lấy thêm hàng phải có đơn vị kiểm dịch đóng dấu kiểm dịch ngay tại lò, hoặc tại quầy hàng. Nếu quá 8 tiếng sẽ không được bán cho người tiêu dùng.

Theo Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nếu không có biện pháp cụ thể, quy định sẽ chỉ ở trên giấy. Bởi, hiện hoạt động kiểm soát thú y đối với gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường chưa được kiểm dịch 100%. Ngay như nhãn thịt bày bán tại các siêu thị ngoài thông tin ngày giờ đóng gói, hạn sử dụng như hiện nay, thực hiện quy định mới cần có thêm thông tin về thời gian giết mổ để người tiêu dùng xác định được hạn sử dụng chính xác. Ở các chợ truyền thống, các cơ quan thực thi quy định này cũng cần bàn thêm những biện pháp khả thi để quy định có tác dụng thật sự trong bảo đảm VSATTP.

Thông tư 33 quy định, thịt và phụ phẩm được bao gói phải có nhãn mác theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ của Chính phủ về nhãn hàng hoá. Đặc biệt, Thông tư quy định, thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Thịt và phụ phẩm kể từ khi giết mổ được bảo quản ở nhiệt độ 0-5 độ C chỉ được bày bán trong vòng 72 giờ kể từ khi giết mổ. Đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở nhiệt độ 0-5 độ C chỉ được bày bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ.
Ngoài ra, mặt bàn và móc treo bày bán thịt và phụ phẩm được làm bằng vật liệu bền,  không thấm nước, không gỉ và dễ làm vệ sinh và khử trùng tiêu độc; cao ít nhất 80cm so với mặt đất; Người bán thịt không được mắc các bệnh ngoài da theo quy định của Bộ Y tế, không được ăn uống trong lúc pha lọc thịt; Người bán hàng không được ngồi lên bàn thịt… Tất cả những quy định khắt khe này, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 3-9 tới đây.