Thịt nhân tạo có thể giúp giải quyết tình trạng giá thực phẩm tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói trên thế giới. Tình hình còn phức tạp hơn do giá lương thực, thực phẩm vượt mức cao nhất trong 10 năm qua. Thịt nhân tạo có thể giúp giải quyết vấn đề này…
Xúc xích từ thực vật của Công ty Beyond Meat

Xúc xích từ thực vật của Công ty Beyond Meat

Thịt từ thực vật ngày càng phổ biến

Hậu quả của đại dịch Covid-19 có thể trở nên trầm trọng hơn do thiên tai, biến đổi khí hậu, các vấn đề phức tạp trong nông nghiệp. Những điều này khiến cả thế giới đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm chưa từng có. Trong năm qua, số người chết vì đói tăng gấp 6 lần, tỷ lệ tử vong do nguyên nhân này đã vượt quá tỷ lệ chết vì Covid-19. Trong các thập kỷ tới, vấn đề đói nghèo sẽ tiếp tục trầm trọng hơn.

Trước tình hình đó, thịt nhân tạo giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt thực phẩm. Hơn nữa, việc từ bỏ thịt truyền thống sẽ giúp giải quyết 2 vấn đề cùng lúc là nạn đói và ô nhiễm môi trường vì chăn nuôi chiếm khoảng 14,5% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khoảng 3% khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở Mỹ được hình thành từ khí metan do bò thải ra. Ngoài ra, chăn nuôi gia súc để lấy thịt và sữa còn làm kiệt đất nông nghiệp…

Thịt nhân tạo đã xuất hiện trong thực đơn của các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh trên thế giới từ vài năm trước. Các nhà sản xuất thịt nhân tạo chính là các công ty Impossible Foods và Beyond Meat. Thịt làm từ thực vật ngày càng được phổ biến rộng rãi. Theo số liệu của Allied Market Research, thị trường thịt nhân tạo phát triển với tốc độ hàng năm là 8,4% và đến năm 2026, sẽ đạt gần 8,1 tỷ USD. Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor ước tính thị trường sản phẩm thay thế thịt sẽ đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2023. Với tốc độ này, 10% thịt trên toàn cầu trong 10 năm tới sẽ là thịt nhân tạo.

Trong khi đó, công ty Memphis Meats ở Mỹ tạo ra thịt động vật thật trong phòng thí nghiệm. Nhiều nhà đầu tư, trong đó có các tỷ phú Bill Gates, Richard Branson, đã đầu tư hơn 180 triệu USD vào doanh nghiệp này. Còn công ty khởi nghiệp Future Meat (Israel) cũng khánh thành nhà máy sản xuất thịt nhân tạo nuôi cấy từ tế bào có công suất 500kg thịt gà, thịt lợn và thịt cừu mỗi ngày.

Nhu cầu về thịt nhân tạo tăng cao

Nhưng, theo các nhà khoa học của Oxford, việc tạo ra thịt trong các phòng thí nghiệm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ấm lên toàn cầu bởi việc sản xuất thịt nhân tạo cần năng lượng vốn được sản xuất chủ yếu bằng nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, độ an toàn của các sản phẩm này cũng được đặt ra…

Thịt nhân tạo xuất hiện tại thị trường Nga vào năm 2019 và đang được bán trong các chuỗi cửa hàng bán lẻ với nhiều mức giá khác nhau như bánh mì kẹp thịt (2 miếng) có giá 1.299 Rúp, xúc xích (4 miếng) có giá 1.599 Rúp và một chiếc bánh mì kẹp thịt làm sẵn nặng hơn 1kg có giá 4.698 Rúp. Theo công ty kiểm toán Deloitte Consulting, khoảng 47% người Nga từ 16 - 40 tuổi sẵn sàng ăn thịt làm từ thực vật. Vào năm 2020, người Nga đã chi 2,6 tỷ Rúp để mua thịt nhân tạo. Con số này không đáng kể so với thị trường thịt tự nhiên trị giá 2000 tỷ USD vào năm 2019.

Nhiều thương hiệu thịt nhân tạo trong nước cũng đã xuất hiện tại Nga. Việc sản xuất những sản phẩm này do EFKO, một trong những công ty công nghiệp thực phẩm lớn nhất của Nga đảm nhận. Có 4 tỷ Rúp được đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm này. Đến năm 2022, EFKO dự định sản xuất tới 40.000 tấn thịt nhân tạo .

Trong khi đó, Công ty 3D Bioprinting Solutions của Nga cùng KFC - chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh của Mỹ - hợp tác sản xuất thịt gà từ tế bào gà và nguyên liệu thực vật bằng máy in sinh học 3D. Các sản phẩm thịt nhân tạo hiện chỉ chiếm khoảng 1% thị trường thịt ở Nga. Nhưng theo các nhà phân tích, do thị trường ngách này có tiềm năng rất lớn, nhu cầu về thịt nhân tạo sẽ chỉ tăng lên…