Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh: Trời Hà Nội rực lửa, B-52 đã rơi, ta sẽ thắng

ANTD.VN - Dù đã 45 năm qua đi, nhưng trong trí nhớ của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh (93 tuổi, nguyên Cục phó Cục Tác chiến) vẫn còn nguyên cảm giác lặng người đi khi nhận tin, B-52 sẽ tấn công Hà Nội trong vài giờ đồng hồ, ngày 18-12-1972. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh: Trời Hà Nội rực lửa, B-52 đã rơi, ta sẽ thắng ảnh 1Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh (giữa), nguyên Cục phó Cục Tác chiến 

Kéo còi báo động trước 30 phút

Ngày 18-12-1972, máy bay B-52 của Mỹ bắt đầu tấn công vào Hà Nội. Nhưng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, trước đó, bộ đội Việt Nam đã chủ động nắm tình hình. Lúc 19h10, Sở chỉ huy nhận được điện báo của Quân chủng Phòng không - Không quân: đài ra-đa ở Đô Lương, Nghệ An đã phát hiện máy bay B-52 Mỹ từng tốp đang bám theo đất Lào, ngược lên phía Bắc Việt Nam. Các tiêu đồ viên trong hầm chỉ huy, nơi ông làm việc đang thận trọng vẽ những nét chì xanh trên bản đồ. Những đường xanh thẳng tắp từ xa nhích dần vào Hà Nội là các tốp B-52 Mỹ. Ai nấy đều lặng người đi, chỉ ít giờ nữa thôi, Thủ đô sẽ chìm trong bom đạn. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đề nghị với cấp trên, cho kéo còi báo động sớm hơn 30 phút để người dân được biết tình hình và ra lệnh cho lực lượng phòng không - không quân sẵn sàng chiến đấu.

Tiếng còi báo động đầu tiên, đặt Hà Nội vào tình trạng khẩn cấp đã được kéo trên nóc hội trường Ba Đình. Theo nguyên tắc, khi còi báo động Ba Đình vang lên thì tất cả các còi báo động trong toàn thành phố sẽ cùng kéo. Hú còi báo động xong, 25 chiếc điện thoại nối với Bộ Chính trị trong căn hầm ngầm ở Thành cổ đồng loạt đổ chuông. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh chỉ kịp trả lời: “Mời đồng chí xuống hầm”. Ngay khi tiếng còi báo động vang lên, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã lập tức xuống hầm chỉ huy tác chiến T1, trực tiếp chỉ huy chiến dịch và yêu cầu 5 phút một lần, Bộ Tổng tham mưu phải báo cáo tình hình. Ngay trong đêm đầu tiên, B-52 tấn công vào Hà Nội, tại hầm chỉ huy Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có mặt để chỉ huy chiến dịch. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh: Trời Hà Nội rực lửa, B-52 đã rơi, ta sẽ thắng ảnh 2Chiếc B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 bắn rơi tại Phù Lỗ (Đông Anh, Hà Nội) vào lúc 20 giờ 13 phút ngày 18-12-1972

Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi

Tình thế rất nguy cấp. Mọi chiến sĩ trong hầm chỉ huy đều cảm nhận rất rõ, đây là một cuộc đọ sức cam go và không cân sức. 20 phút đầu tiên máy bay B-52 tấn công, trời Hà Nội rực lửa. Dưới mặt đất, pháo cao xạ, tên lửa của phòng không liên tục dội lên. 4 chiếc máy bay đã cất cánh, nhằm thẳng máy bay địch tấn công.  Một lúc sau, không quân báo về, có một đám cháy lớn ở phía Bắc, khu vực Đông Anh. Một phán đoán vụt sáng, có thể B-52 đã rơi. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh vẫn nhớ khi đó, mọi người trong căn hầm đã ôm chầm lấy nhau, vui sướng trước chiến công đầu tiên. Nhưng chỉ huy ra lệnh, không được đưa tin trên các phương tiện truyền thông mà phải xác minh chính xác, B-52 rơi mới được công bố. Sau khi thông tin B-52 bị bắn hạ được xác nhận, ai nấy đều thở phào và tin rằng - ta sẽ thắng. Thường trực Quân ủy Trung ương đã họp ngay lập tức, để rút kinh nghiệm và tìm cách đánh B-52 hiệu quả nhất. 

Thế nhưng sáng hôm sau, Đài Phát thanh Mễ Trì bị trúng bom. Làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã ngừng 9 phút. Sau khi nối sóng, làn điệu chèo ngọt ngào đã được vang lên đầu tiên. Cả nước vui mừng vì Hà Nội vẫn ổn. Và từ đây, tin tức về chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi đã được truyền tới mọi người dân Việt Nam. Nhiều người đã khóc khi nghe tin này. Ngay sau đó, Hà Nội đã tổ chức họp báo quốc tế, đưa viên phi công B-52 bị bắt tại miền Bắc tới phòng họp. Thông tấn thế giới vây xung quanh phi công Mỹ phỏng vấn. Từ đây, tính xác thực về việc quân đội Việt Nam bắn rơi máy bay B-52 đã được khẳng định. Các hãng thông tấn quốc tế đã mau chóng chuyển đi tin Việt Nam đánh thắng B-52 tới nhiều quốc gia trên thế giới. 

Hà Nội - hậu phương vững chắc 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết, dù Hà Nội chịu nhiều thiệt hại về người và của trong đợt tấn công của B-52 nhưng Thủ đô vẫn là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam. Ngay giữa bom đạn, xe vẫn vào chi viện cho mặt trận, gạo không thiếu một bao, đạn không thiếu một viên. Nhân lực, phương tiện, lương thực đã được chuyển vào chiến trường thông suốt. Ngay trong ngày đầu tiên, Hà Nội đã bắn rơi 3 máy bay B-52, ngày 20-12-1972 có 7 chiếc máy bay bị bắn rơi, ngày 26-12-1972 có 8 chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi. Trước sự thất bại này, Mỹ đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris. 

Lý giải về thắng lợi của quân đội Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đã mượn lời một học giả người Nhật Bản để trả lời cho câu hỏi trên. Nhà học giả này đã nói: “Rồi đây, không biết lịch sử nhân loại mấy nghìn năm nữa còn chứng kiến cuộc đọ sức giữa một nước cực nghèo với cực giàu, cực lạc hậu với cực hiện đại, cực nhỏ với cực lớn. Nhưng có lẽ, trong cuộc chiến với máy bay B-52 của Mỹ, ngoài con người ra, Việt Nam chẳng có gì để đánh thắng Mỹ”. 

Trong thắng lợi to lớn của lực lượng phòng không - không quân Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh một lần nữa nhắc lại, sư đoàn 361 Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu trong trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước, xứng đáng với danh hiệu sư đoàn được Bác Hồ 8 lần về thăm, xứng đáng là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.