Thiếu tướng Đào Thanh Hải: Chức năng quản lý của Bộ Công an là đảm bảo trật tự an toàn giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ĐBQH-Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, chức năng quản lý của Bộ Công an là đảm bảo trật tự an toàn giao thông nên giao cho Bộ Công an chủ trì xây dựng dự án luật này là hoàn toàn phù hợp.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cũng nhất trí với toàn bộ nội dung của Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vì cho rằng trước tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng theo chiều hướng phức tạp nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Trong khi đó chức năng quản lý của Bộ Công an là đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bộ Công an chịu trách nhiệm về vấn đề này.

ĐBQH- Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu thảo luận

ĐBQH- Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu thảo luận

Cùng tham gia phát biểu thảo luận về nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, trước đây, khi TNGT tăng, có Đại biểu Quốc hội đã đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp về an toàn giao thông. Đồng tình với việc giao Bộ Công an nhận trách nhiệm rất lớn này, Đại biểu Thường cho rằng, giữa 2 Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải thống nhất, kết nối với nhau.

Theo Đại biểu, liên quan đến vấn đề an toàn giao thông có 4 yếu tố: Người lái xe, phương tiện giao thông, hệ thống đường sá, các quy định pháp luật về giao thông đường bộ trong đó có các quy tắc về giao thông.

“Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Long An vào năm 2019 khi lái xe container đâm vào 21 xe máy đang chờ đèn đỏ do lái xe dương tính ma túy, sử dụng rượu bia khi lái xe là ví dụ điển hình cho thấy, quy định về đào tạo, cấp GPLX, về xử phạt chưa đủ sức răn đe…

Bên cạnh đó, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa xe hợp đồng, xe tuyến, xe dù bến cóc do quy định về loại hình vận tải còn nhiều bất cập gây ra tình trạng bát nháo, lộn xộn” – Đại biểu Thường nhấn mạnh.

Không chỉ có vậy, các vụ tai nạn trên các tuyến đường cao tốc diễn biến phức tạp cho thấy việc thiếu quy tắc tham gia giao thông trên cao tốc. Theo Đại biểu, tai nạn giao thông có nguồn gốc từ hiệu quả thực thi luật pháp. Tại nút giao thông nếu có CSGT rất trật tự, tuân thủ tốt, ngược lại vi phạm tràn lan, đèn đỏ cũng vượt.

“Ở đây nguyên nhân dẫn đến TNGT không hoàn toàn do con người mà còn do thiết kế quản lý giám sát chưa có hiệu quả cao. Luật cần quan tâm đến 2 nội dung chính, đó là công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự ATGT, những vấn đề về trật tự an ninh xã hội" - Đại biểu Thường nói.

Về Luật Giao thông đường bộ 2008, Đại biểu Thường nêu quan điểm, luật này cần được sửa đổi vì có nhiều bất cập. Điều 6 Dự thảo cần bổ sung việc bắt buộc đánh giác tác động giao thông đối với các công trình xây dựng có quy mô lớn để khắc phục ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, Dự thảo cần quy định chi tiết mật độ dành cho giao thông tĩnh, giao thông động. Nguyên tắc quy hoạch giao thông nông thôn phải đảm bảo kết nối với khu vực chế biến nông sản, bãi đỗ xe công cộng, sử dụng xe nhỏ phù hợp với đường.

“Thực tế cho thấy, công tác GPMB làm đường trong thành phố rất khó khăn, có con đường dát vàng vài ngàn tỷ, trong khi đó chi phí GPMB lên tới 90%. Điều này là không công bằng khi vừa có đường lập tức xuất hiện hàng trăm tỷ phú hai bên đường. Do đó, cần có hành lang pháp lý tạo nguồn thu cho ngân sách nhằm giải quyết các vấn đề về giao thông” – Đại biểu Thường nói.

Tin cùng chuyên mục