Thiếu ngủ có thể gây bệnh Alzheimer

ANTĐ - Một nghiên cứu mới đây cho thấy cả chất và lượng của giấc ngủ ban đêm đều có thể ảnh hưởng tới trí nhớ của bạn lúc về già.

Các nhà khoa học ở ĐH Y khoa Washington đã kiểm tra mô hình giấc ngủ của 100 người trong độ tuổi 45-80 và không bị mất trí nhớ. ½ số đối tượng này có tiền sử gia đình mắc bệnh Alzheimer.

Một dụng cụ được đặt vào các đối tượng trong 2 tuần để đo giấc ngủ. Các nhà nghiên cứu cũng phân tích nhật ký và bản trả lời câu hỏi của các đối tượng.

Thời gian trung bình mỗi người nằm trên giường là khoảng 8 giờ song thời gian thực ngủ trung bình của các đối tượng này là 6,5 giờ mỗi đêm vì họ hay thức giấc vào ban đêm.

Sau khi nghiên cứu và phân tích, các nhà khoa học phát hiện thấy 25% số đối tượng có bằng chứng của các mảng dạng tinh bột. Những mảng này có thể xuất hiện vài năm trước khi khởi phát các dấu hiệu của bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu thấy rằng người hay thức giấc hơn 5 lần/giờ trong đêm dễ tích tụ mảng dạng tinh bột hơn so với người thức giấc ít hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng những người có chất lượng giấc ngủ kém dễ có các chỉ báo của bệnh Alzheimer giai đoạn sớm hơn so với những người ngủ sâu giấc.

Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hội Thần kinh Hoa Kỳ.