Thiếu kiểm tra an toàn thông tin máy tính, thiết bị di động thông minh nhập khẩu

ANTĐ - Thời gian gần đây, một số thiết bị di động, thiết bị thông minh nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc như điện thoại Xiaom, máy tính Lenovo… đều nghi bị cài phần mềm gián điệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người sử dụng Việt Nam. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav về hiểm họa cũng như việc kiểm tra, kiểm soát an toàn của những thiết bị này trước khi nhập khẩu.

Thiếu kiểm tra an toàn thông tin máy tính, thiết bị di động thông minh nhập khẩu ảnh 1

- Phóng viên: Ông có đánh giá thế nào về nguy cơ từ máy tính, thiết bị công nghệ thông tin thiếu an toàn nêu trên?

- Ông Ngô Tuấn Anh: Các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại di động có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm thị phần đáng kể tại Việt Nam nhờ ưu thế về giá. Tuy vậy, một số thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc có cài phần mềm gián điệp có thể khiến người sử dụng bị mất các thông tin quan trọng hoặc máy tính của mình bị huy động trái phép vào các cuộc tấn công từ chối dịch vụ, trở thành một máy tính “ma” trong mạng máy tính của kẻ xấu. Vì vậy, người dùng cần phải thận trọng, tránh việc mua quá rẻ mà mất mát thông tin cá nhân. Đồng thời, cũng cần trang bị phần mềm phòng chống virus cho máy tính, điện thoại thông minh để có thể chủ động bảo vệ mình trước các nguy cơ.

- Giá cả các thiết bị này thường không cao, phù hợp với túi tiền của người dân Việt Nam. Phải chăng, vì giá rẻ nên các thiết bị này thường không an toàn? 

- Chúng ta cũng không loại trừ mục đích khác đằng sau sự việc các thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc có cài sẵn mã độc. Với giá tiền không cao, số lượng thiết bị được bán thường rất lớn, nên nếu có mục đích xấu, các thiết bị có cài sẵn mã độc sẽ là nguồn thu thập thông tin nguy hiểm, đồng thời có thể bị ra lệnh để ngừng hoạt động, gây ngưng trệ dịch vụ trong trường hợp cần thiết. 

Đáng tiếc là hiện nay việc nhập khẩu đối với các thiết bị thông dụng như máy tính, điện thoại… tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc kiểm tra mức độ an toàn thông tin. Việc kiểm tra, đánh giá này mới áp dụng ở các cơ quan, tổ chức quan trọng trước khi đưa vào sử dụng thực tế. 

- Trên thế giới, các nước kiểm soát vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Các quốc gia, tùy điều kiện kinh tế xã hội mà có các biện pháp kiểm soát khác nhau đối với các thiết bị nhập khẩu. Đối với các nước phát triển, họ có các tiêu chuẩn cụ thể cho các thiết bị được phép nhập khẩu. Đồng thời, các thiết bị sử dụng ở các cơ quan trọng yếu như Chính phủ, quân đội… phải được kiểm tra chặt chẽ trước khi đưa vào sử dụng.

Thiếu kiểm tra an toàn thông tin máy tính, thiết bị di động thông minh nhập khẩu ảnh 2

- Thị trường Việt Nam có nhu cầu lớn về các thiết bị này. Theo đánh giá của ông, do việc sản xuất quá phức tạp hay vì lý do gì mà Việt Nam không tự sản xuất để cung cấp cho thị trường trong nước?

- Vấn đề là tính hiệu quả kinh tế. Câu chuyện này không phải chỉ ở mỗi Việt Nam, ngay cả như hãng Apple cũng sản xuất iPhone ở Trung Quốc, hay hầu hết các hãng sản xuất khác như: Sony, Dell, HP, Cisco… đều có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Các nhà máy phụ trợ dày đặc, nhân công rẻ, sản xuất với số lượng lớn… sẽ giúp chi phí sản xuất được cắt giảm.

Việc các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm phần lớn thị trường là điều xảy ra với hầu hết quốc gia trên thế giới chứ không phải chỉ tại Việt Nam. Với mỗi quốc gia hoặc các công ty, việc sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại di động ngoài giá trị về kinh tế, còn thể hiện việc làm chủ về công nghệ, trong đó không thể thiếu là làm chủ về an toàn thông tin. Năm 2016, chúng tôi sẽ ra mắt Bphone 2, đây sẽ tiếp tục là chiếc điện thoại an toàn nhất cho người dùng Việt Nam.

-  Xin cảm ơn ông!