Thiếu hiểu biết, dò tìm lén lút phế liệu: Gây thương vong không nhỏ

ANTĐ - Đại tá Nghiêm Đình Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm Hành động khắc phục bom mìn Việt Nam cho biết: “Phải mất nhiều thập kỷ nữa, với kinh phí hàng trăm nghìn tỷ đồng mới có thể khắc phục cơ bản hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh”.

Thiếu hiểu biết, dò tìm lén lút phế liệu: Gây thương vong không nhỏ ảnh 1Số bom mìn, vật nổ chưa nổ hiện còn nằm rải rác ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước

63/63 tỉnh, thành phố bị ô nhiễm bom mìn

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm và chịu hậu quả nặng nề về bom mìn nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. 

Đại tá Nghiêm Đình Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm Hành động khắc phục bom mìn Việt Nam cho biết, dự án “Điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc” đã chỉ rõ, tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,8 triệu ha. Số bom mìn, vật nổ chưa nổ hiện nay còn nằm rải rác ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung.

Sau khi chiến tranh kết thúc, nước ta đã tổ chức các chiến dịch rà phá bom mìn, giải phóng đất đai đưa dân về sinh sống. Nhưng hầu như mới chỉ giải quyết các loại bom mìn, vật nổ ở độ sâu đến 0,3m và hạn chế ở các vùng đất canh tác hoặc xây dựng nhà cửa, công trình cụ thể, còn các loại bom, đạn nằm sâu trong lòng đất và ở những vùng khác vẫn chưa được dọn sạch.

 Các chuyên gia về bom mìn, vật nổ cho biết, hiện trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề, tai nạn do bom mìn vẫn liên tục xảy ra. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu xảy ra do người dân và trẻ em không có hiểu biết về vũ khí, bom mìn, vật liệu nổ. Đặc biệt, việc dò tìm lén lút phế liệu từ bom mìn là nguyên nhân chính làm tăng số lượng người chết và bị thương.

Huy động nguồn lực khắc phục bom mìn

Với nhiều chính sách, nỗ lực trong việc rà phá bom mìn như đầu tư trang thiết bị, lực lượng nên từ năm 1999 đến nay, việc rà phá bom mìn đã được tiến hành quyết liệt hơn. Một số địa phương đã xử lý hết bom mìn, vật nổ đến độ sâu 5 mét tính từ mặt đất tự nhiên, tập trung rà phá bom mìn ở các công trình trọng điểm của Nhà nước, các công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội và khối lượng diện tích rà phá bom mìn hàng năm được tăng lên đáng kể.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện “Dự án rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn và Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh” bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua quỹ liên kết ASEAN - Nhật Bản. Dự kiến, đến tháng 7-2017, dự án sẽ hoàn thành. Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ triển khai xây dựng các đề cương dự án rà phá bom mìn, vận động tài trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế, ưu tiên vận động tài trợ ODA từ chính phủ các nước Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Úc...