Thiếu cả thầy lẫn thợ

ANTĐ - Sáng qua 14-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi đối thoại với gần 1.000 đại biểu đại diện cho hơn 7 triệu thanh niên cả nước tham dự Đại hội  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ X. Tham dự còn có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo một số bộ, ngành.

Thiếu lao động trình độ cao nền kinh tế khó phát triển bền vững

Buổi đối thoại đã thu hút sự quan tâm tham gia trao đổi của đông đảo thanh niên, những người đại diện cho thế hệ trẻ hôm nay. Nhiều vấn đề được thanh niên quan tâm như hệ thống giáo dục, chất lượng đào tạo, việc làm sau ra trường, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài cũng như việc đào tạo, dự báo nguồn nhân lực tương lai cho đất nước. 

Đại biểu Đào Xuân Yên, đoàn Thanh Hóa chia sẻ: “Đào tạo đại học còn tràn lan, chưa thực sự gắn kết với nhu cầu xã hội, sinh viên gặp khó khăn khi xin việc, làm nảy sinh những tiêu cực khi tuyển dụng cán bộ, công chức”. Trước ý kiến này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đấy là một vấn đề lớn, khó, đang đặt ra với cả xã hội. Nền kinh tế của chúng ta hiện nay đang thiếu cả thầy cả thợ chứ không phải thừa thầy thiếu thợ. Trong số 60 triệu người trong độ tuổi lao động, đến 2012 số lao động qua đào tạo các cấp mới chiếm 46%. Nhưng trong số đó, có 8% từ đại học trở lên, trong khi các nước phát triển hầu hết lao động trong độ tuổi đều được đào tạo, đào tạo lại, tỷ lệ từ đại học trở lên khá cao, như Malaysia là 20,1%, Thái Lan 14,2%, Hàn Quốc 33,6%. Bên cạnh đó, cơ cấu đào tạo hiện còn bất hợp lý.

“Đảng, Nhà nước rất cần đội ngũ trí thức được qua đào tạo đại học, cao đẳng, nhưng mặt khác, đất nước cũng đang rất cần công nhân, kỹ thuật viên lành nghề. Những bạn, những em chưa đủ điều kiện vào ngay CĐ, ĐH thì con đường vào học trung cấp, học nghề cũng rất tốt. Có nhiều điều kiện để các bạn lập thân, lập nghiệp, khẳng định mình trong cuộc sống. Vấn đề đặt ra là phải học thật, tài năng thật, năng lực thật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đại biểu Đặng Tất Dũng hiện đang học  tập tại Anh thì cho rằng, chúng ta chưa chú tâm xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp. Đó là một trong những lý do khiến không ít du học sinh ngần ngại về nước làm việc. Song, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, chúng ta hết sức coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, nhưng cơ chế phát triển nguồn nhân lực là vấn đề mới, cùng với xây dựng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tới 2010, ta có hệ thống các trường đại học, cao đẳng, nhưng chưa có cơ quan dự báo quốc gia về nguồn nhân lực, tức là công tác đào tạo chủ yếu dựa vào khả năng đào tạo, chứ không dựa vào nhu cầu của xã hội. Năm 2010, Thủ tướng đã phê duyệt chiến lược xây dựng nguồn nhân lực tới 2020, tức là chúng ta đã có đầu bài cho vấn đề này. Tới năm vừa rồi, 62/63 tỉnh, thành và các bộ, ngành đã xây dựng xong đề án phát triển nguồn nhân lực. Đây là một trong hai trụ cột của mô hình phát triển mới, cùng với việc sử dụng vốn và đất. 

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lâu nay khi  xây dựng kế hoạch, các ngành, các địa phương đều nhấn mạnh nhiều đến vấn đề vốn, khai thác đất, nhưng việc chăm lo nhân lực cho ngành, cho địa phương chưa rõ.  Không những vậy, người sử dụng lao động, các doanh nghiệp có than phiền về nguồn  nhân lực, nhưng doanh nghiệp làm gì để giải quyết thì chưa nhiều. Chúng ta cần chuyển từ giai đoạn than phiền sang cùng bắt tay với Nhà nước, ai cần người đó phải hành động, nơi thu hút lao động lớn nhất là doanh nghiệp, họ có nhu cầu sẽ tuyển dụng, nhất là doanh nghiệp nước ngoài đến tận trường, sinh viên chưa ra trường đã trao học bổng. Nếu quyết tâm, tìm kiếm, các bạn sẽ tìm được nơi phát huy khả năng của mình. Ví như Giáo sư Ngô Bảo Châu đạt giải Field, nhiều trường quốc tế mời dạy, nhưng Giáo sư cam kết về Việt Nam 3 tháng mỗi năm và làm Giám đốc Viện Toán…