Thiệt vì làm chưa chặt

ANTĐ - Chị Phương Thị Hồng Diệp (30 tuổi, trú tại Nhật Tân, Hà Nội) cho rằng với các quy định hiện hành khó đảm bảo quyền lợi cho nhà nước và người lao động khi chủ các doanh nghiệp FDI bỏ  về nước.

- Có nhiều doanh nghiệp FDI trong tình trạng vắng chủ không?

- Theo Bộ KH-ĐT, tính đến hết tháng 5-2013, cả nước có tới 518 doanh nghiệp FDI vắng chủ với tổng vốn đăng ký lên đến 903 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp trong số đó đã không trả lương cho người lao động, không thực hiện nghĩa vụ thuế, nợ đối tác Việt Nam, thậm chí có đối tượng trục lợi, huy động vốn rồi bỏ về nước, để lại nhiều hậu quả lớn.

- Sao người lao động không khởi kiện ra tòa?

- Mặc dù các doanh nghiệp FDI “vắng chủ” chỉ ở mức quy mô nhỏ (dưới 500.000USD) nhưng để lại hậu quả khó giải quyết và kéo dài nhiều năm. Hầu hết đều nợ bảo hiểm xã hội, sổ bảo hiểm xã hội hoặc không trả lại sổ bảo hiểm cho người lao động. Muốn kiện cũng khó vì có biết địa chỉ chính xác của bị đơn đâu mà kiện. Người lao động xin hỗ trợ khó khăn cũng không được vì… chưa có quy định.

- Theo chị cần làm gì để  chấm dứt tình trạng này?

- Trước tiên cần ứng tiền để hỗ trợ người lao động, khi thu được tài sản của doanh nghiệp thì bù sau. Chúng ta cần những quy định chặt chẽ hơn với việc cấp phép cho các doanh nghiệp FDI, không cấp phép tràn lan. Tránh tình trạng “đem con bỏ chợ”, cần bắt buộc các doanh nghiệp đặt cọc một khoản tiền nhất định. Kiểm tra xử lý ngay những doanh nghiệp không hoạt động từ 3-6 tháng. Phải mạnh tay với doanh nghiệp FDI bỏ trốn mới hết cảnh bị thiệt mà không biết kêu ai.