Thiết lập trạng thái bình thường mới

ANTD.VN - “Mỗi người dân, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh hãy thiết lập trạng thái bình thường mới”, tiếng nói ấy giờ đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân khi thực hiện các cuộc gọi điện thoại.

Đã qua chuỗi ngày tháng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19,  trên những con phố vốn sầm uất tấp nập của Hà Nội khi đó vắng vẻ lạ kỳ -  Ảnh: LAM THANH 

Nếu có trạng thái “bình thường mới”, chắc sẽ có trạng thái “bình thường cũ”. Thực ra, nếu để căn ke về chữ nghĩa thì trạng thái cũ là một trạng thái không bình thường. Trạng thái ấy đã đưa rất nhiều người dân, trong đó nổi bật nhất ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM vào trạng thái bất bình thường. 

Mọi sinh hoạt bị thay đổi, nhiều người bắt buộc phải ở trong nhà, không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết. Thậm chí, đối với không ít gia đình thu nhập khá cũng bắt đầu phải đối mặt với những nỗi lo cơm áo. Không phải cơm áo cho gia đình mình, mà cơm áo cho hàng trăm, hàng ngàn cán bộ, nhân viên của công ty. 

Rất nhiều doanh nghiệp đã phải tuyên bố phá sản, nhiều người lao động mất việc làm. Trong tính toán của rất nhiều nhà kinh doanh, nhiều rủi ro đã được đặt ra, nhưng rủi ro từ một đại dịch toàn cầu có thể làm sụp đổ nhanh chóng công ty chắc mới chỉ được tính đến lần đầu.  

Dịp nghỉ lễ vừa rồi có lẽ là một dịp nghỉ lễ ấn tượng với rất nhiều người. Những chuyến xe khách vừa được hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội có những chuyến đi không ngừng nghỉ. “Chúng tôi chạy còn căng hơn chạy ngày Tết”, một bác tài tâm sự. 

Sau giãn cách xã hội, người dân Thủ đô hân hoan gặp lại những hình ảnh cũ đến quen thuộc. Quán xá mở cửa trở lại với đầy hân hoan, đường phố lại tắc, thậm chí mật độ giao thông còn có vẻ như cao hơn trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Một mùi chật chội lại xuất hiện trên nhiều ngả đường. Nhưng dù sao đi nữa, mùi chật chội cũng đem lại cảm giác thân quen, qua những chật chội lại đến với những sôi động ngày thường. Sôi động nhưng không chủ quan. 

Mặc dù thời điểm đó, giá xăng đã đạt được mức giảm thấp nhất trong vòng 13 năm qua ở nước ta, nhưng những chuyến xe đi và về giữa Hà Nội và vùng quê nơi tôi sinh sống vẫn được hét giá cao gấp đôi so với ngày thường. “Xăng giảm mà sao giá vé lại tăng”, một hành khách trên xe phản ứng. Phụ xe vừa thoăn thoắt đếm tiền, vừa trả lời: “Các bác thông cảm bù đắp cho nhà xe chút, nhà xe chấp hành quy định nghỉ cả tháng nay có thu được đồng nào đâu”. Vậy là những hành khách ngồi trên xe, những người chắc chắn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lại phải “bù đắp” cho thiệt hại của nhà xe. 

Nếu những hàng quán ven biển ngày này năm trước ken đặc người. Nay, những hàng quán ấy phải bước qua những ngày lễ thưa vắng khách. Bù lại, phía trong những hàng cây phi lao, nơi có nhiều bóng mát, nơi có những bãi cát lại nở rộ một xu hướng mới: Người dân mang từ thực phẩm đến dụng cụ ăn uống thiết lập trạng thái liên hoan tại chỗ. Cùng với xu hướng này, một lượng rác không hề nhỏ cũng được thải ra. 

Từ trạng thái bình thường cũ chuyển sang trạng thái bình thường mới cũng là một quá trình không hề đơn giản. Đặc biệt là đối với các học sinh nhỏ tuổi. Các cháu liên tục trải qua nhiều trạng thái cảm xúc với trường lớp. Bắt đầu là những câu hỏi: Bao giờ đi học lại hả mẹ? Bao giờ là chưa biết bao giờ, nhiều bậc phụ huynh sẽ nghĩ thế. Từ mong ngóng đến trường gặp cô gặp bạn, trạng thái ở nhà lâu quá khiến cho không ít cháu bỗng thích nghi với việc ở chơi tại nhà, đi học trở lại bỗng thành một nỗi ám ảnh đối với không ít cháu. 

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Sau giãn cách xã hội, người dân Thủ đô hân hoan gặp lại những hình ảnh cũ đến quen thuộc. Quán xá mở cửa trở lại với đầy hân hoan, đường phố lại tắc, thậm chí mật độ giao thông còn có vẻ như cao hơn trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Một mùi chật chội lại xuất hiện trên nhiều ngả đường. Nhưng dù sao đi nữa, mùi chật chội cũng đem lại cảm giác thân quen, qua những chật chội lại đến với những sôi động ngày thường. Sôi động nhưng không chủ quan. 

Cô bán phở ở đầu ngõ tôi xuất hiện sau những ngày nghỉ bán. “10 người gặp thì 9 người nói béo thế”, cô trải lòng. Người phụ nữ vốn tất bận với quán phở đều đặn mở mỗi ngày, thời điểm cách ly chẳng biết làm gì hơn là ở nhà nấu ăn rồi lại xem phim, xem phim xong lại ngủ và ngủ dậy lại nấu ăn. Trạng thái ấy không tăng cân mới là bất thường. 

VTV có một bộ phim có tên: “Những ngày không quên”.  Bộ phim kết hợp giữa các nhân vật có sẵn của “Về nhà đi con” và “Cô gái nhà người ta” giữa mùa dịch Covid-19. Chưa bàn tới nội dung bộ phim, nhưng bản thân tên gọi cũng có thể được đặt tên cho thời giãn cách xã hội. Đó phải là những ngày khó quên đối với rất nhiều người dân Việt Nam và với nhiều quốc gia trên thế giới. 

Nhiều người đã hài hước gọi ngày đầu tiên dỡ giãn cách xã hội là “ngày mồng một Tết Covid-19”. Những ngày “Tết Covid-19” đó, thời tiết Hà Nội có lúc mang trạng thái của những ngày xuân của Tết Nguyên đán, cũng se se lạnh, cũng lất phất mưa, khuôn mặt nhiều người cũng hân hoan như ngày mới đầu năm. 

Có người đôi khi phải thốt lên: Chật chội cũng được, ồn ào cũng xong… nhưng không bao giờ mong Covid-19 trở lại. Nhưng chỉ mong thôi thì chưa đủ, mỗi người dân cũng cần phải chung tay để thực hiện những khuyến cáo từ Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch. Có như thế mới có thể quên được những ngày dịch bệnh rất không muốn nhớ.

Tin đọc nhiều