Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu quốc gia "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng thiết kế, logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" giai đoạn 2020 - 2030.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định về việc xây dựng thiết kế logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện Nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Xây dựng logo nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" là một trong các nội dung của Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia nghệ thuật sơn mài Việt Nam giai đoạn 2020 -2030. Các nội dung còn lại là hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài; tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sơn mài quốc tế tại Việt Nam.

Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" giai đoạn 2020 – 2030 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, góp phần phát triển thị trường văn hoá, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế qua các hoạt động giao lưu nghệ thuật, trao đổi tác phẩm, sản phẩm văn hoá.

Tác phẩm "Bình minh trên nông trang" của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng (1914-1993)

Tác phẩm "Bình minh trên nông trang" của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng (1914-1993)

Đồng thời, góp phần chấn hưng và khẳng định giá trị của sơn mài Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; Đẩy mạnh giao lưu, chú trọng quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam trở thành sản phẩm văn hóa, nghệ thuật góp phần xây dựng công nghiệp văn hoá; Khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm, tác phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ở trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, đề án cũng góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống nghệ thuật Sơn mài Việt Nam; Tôn vinh chất liệu, người trồng cây và người làm công cụ; Tạo điều kiện, đầu tư, hỗ trợ, phát triển vùng trồng cây sơn ở Phú Thọ và các vùng, làng nghề làm nguyên vật liệu để chế tác sơn mài; Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội về vị trí, vai trò cây Sơn.

Ngoài ra, đề án cũng là cơ sở đầu tư giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo sáng tác trên chất liệu sơn mài trong các trường nghệ thuật theo hướng giữ gìn, phát huy truyền thống nghề sơn, mở các lớp đào tạo sơn mài truyền thống; Có chính sách khuyến khích con em nghệ nhân học hỏi, duy trì nghề thuyền thống của cha ông, hạn chế sự già hoá nghệ nhân tại các làng nghề thủ công truyền thống.