Thiệt hại cả tỷ đồng vì dịch Covid-19, các nhà hát trên địa bàn Hà Nội vẫn quyết định "ngủ xuân"

ANTD.VN - Cho tới thời điểm này (15-4), các nhà hát trên địa bàn Hà Nội đều đã đóng cửa, cho nghệ sĩ nghỉ ở nhà để phòng tránh dịch Covid-19. Và như vậy, nguồn thu từ hoạt động biểu diễn đã không còn, thiệt hại lên tới cả tỷ đồng, đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn.

Nhiều nhà hát, đặc biệt là lĩnh vực sân khấu truyền thống như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam... đều trông chờ vào dịp biểu diễn tháng Giêng và tháng Hai đầu năm. Bởi đây là dịp mà nghệ thuật truyền thống rất “đắt hàng”. Đã vậy, chưa năm nào như năm nay, nhiều nhà hát nghệ thuật sân khấu truyền thống lại nhận được nhiều đơn đặt hàng đến vậy.

Tuy nhiên vì dịch Covid-19 nên các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đã phải hủy toàn bộ các hợp đồng biểu diễn tại các lễ hội. Chưa kể, nhiều hợp đồng biểu diễn đã lên lịch trước đó cả tháng, cả quý cũng đều phải dừng lại để hạn chế tập trung đông người.

Nhà hát Tuồng Việt Nam là một đơn vị “đắt hàng” nhất với các hợp đồng biểu diễn tại các sự kiện lễ hội. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, nhà hát mới chỉ kịp biểu diễn tại lễ hội gò Đống Đa rồi sau đó phải đã phải tạm dừng tất cả các hợp đồng đã ký biểu diễn tại các lễ hội như Bắc Ninh, Hà Nam. Có những địa phương như Hải Dương đã đặt tiền cũng chuyển trả tiền đặt cọc.

1 tháng đóng cửa, Nhà hát Múa rối Thăng Long thiệt hại 4 tỷ đồng

Rạp Hồng Hà ngoài chức năng biểu diễn còn là một nguồn thu mang về cho nhà hát. Thế nhưng, khi dịch diễn biến phức tạp, rạp Hồng Hà cũng đã phải đóng cửa. Diễn viên của nhà hát chỉ còn lương cơ bản do nhà nước chi trả và sống cầm cự qua ngày. Các khoản thu khác đều cắt giảm do không còn nguồn thu từ hoạt động biểu diễn.

Có chung hoàn cảnh, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đã "đóng cửa" để phòng tránh dịch Covdi-19. Đây có lẽ cũng là nhà hát lao đao nhất vì không có nhà hát riêng để biểu diễn nên đã ký hợp đồng địa điểm biểu diễn với các đơn vị khác trong 3 tháng đầu năm.  Theo ước tính thì tới 50% số buổi biểu diễn trong chỉ tiêu hằng năm của nhà hát sẽ hoàn thành vào dịp đầu năm. Việc dừng biểu diễn đồng nghĩa với nỗi lo không đạt chỉ tiêu diễn cho cả năm.

Nhà hát Múa rối Thăng Long, đơn vị nghệ thuật hàng đầu của Hà Nội cũng đã quyết định đóng cửa từ ngày 14-3 vì dịch Covid-19. NSƯT Chu Lượng, quyền Giám đốc Nhà hát Thăng Long chia sẻ, khi dịch Covid-19 ở giai đoạn 1, nhà hát vẫn "đỏ đèn" phục vụ du khách trong và ngoài nước nhưng đi cùng với các biện pháp bảo vệ sức khỏe như phát khẩu trang miễn phí cho khán giả, yêu cầu người xem sát khuẩn tay trước khi vào rạp. Tuy nhiên, khi dịch ở giai đoạn 2, nhà hát đã đóng cửa từ nay đến hết ngày 31-3 và sẽ mở cửa trở lại ở thời điểm thích hợp.

Cũng theo người đứng đầu Nhà hát Múa rối Thăng Long, chỉ cần 1 tháng đóng cửa, thiệt hại của nhà hát lên tới 4 tỷ đồng. Trong khi ấy, nhà hát vẫn phải đảm bảo đời sống cho các nghệ sĩ. Vì thế, dịch Covid-19 đã làm tê liệt hoạt động của đơn vị nghệ thuật này với nhiều thiệt hại khó đong đếm.

Tác phẩm "Thành phố lặng im" của Nhà hát Tuổi trẻ

Còn Nhà hát Tuổi trẻ đã có "giấc ngủ xuân" kéo dài gần 50 ngày mà chưa biết đến khi nào mới tỉnh dậy vì dịch Covid-19. Đó cũng là câu nói vui của Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Sĩ Tiến về tình trạng của nhà hát hiện nay. Theo đó, sau Tết, đơn vị này chỉ diễn được 2 buổi với số lượng vé sụt giảm đáng kể theo từng buổi. Nếu như buổi thứ nhất bán được khoảng 300 vé thì buổi thứ 2 chỉ bán được hơn 100 vé.

"Có thể, khán giả lo ngại dịch lây lan, phát tán nên rất e ngại đến chỗ đông người như rạp hát. Vì thế, chúng tôi đã quyết định sẽ "ngủ xuân" để đảm bảo sức khỏe cho nghệ sĩ và diễn viên. Đời sống của nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn khi chỉ còn lương cơ bản được duy trì. Mức lương ấy rất khó để các nghệ sĩ cầm cự trong lâu dài. Do đặc thù nghề nghiệp, các nghệ sĩ là người dễ bị tổn thương nhất trong mùa dịch này", Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ.

Trong khi ấy, với sân khấu, muốn làm nên một tác phẩm, bắt buộc phải tập trung đông người để tập luyện dựng vở. Nhưng điều này lại tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn để dịch bệnh bùng phát. Do vậy, để loại bỏ nguy cơ này, chỉ còn một cách là cho diễn viên nghỉ ở nhà, rạp hát đóng cửa, không có nguồn thu.

Dù biết thiệt hại về kinh tế, nhưng lãnh đạo các nhà hát của sân khấu phía Bắc không còn sự lựa chọn. Cuộc chiến với dịch Covid-19 không thể một sớm, một chiều, nhiều tỷ đồng lại tiếp tục ra đi nhưng sức khỏe và tính mạng của đội ngũ nhân viên và nghệ sĩ mới là số 1.