Triều cường dâng cao làm thiệt hại gây tranh chấp giữa các doanh nghiệp

Thiệt hại ai chịu và có phải là bất khả kháng không?

ANTĐ - Biến đổi khí hậu dẫn đến triều cường đạt mức cao kỷ lục đã gây nhiều khó khăn trong đời sống cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh. 

Nội dung vụ án

Triều cường dâng cao là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tranh chấp khiếu kiện giữa các doanh nghiệp. Ngày 22-4-2011 Công ty TNHH Kho vận Việt Thăng Long (Gọi tắt là CT Việt Thăng Long) ký Hợp đồng kinh tế số 17/11/HĐ-KB với Công ty TNHH MTV Cảng sông TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là CT CS TP.HCM), nội dung thuê một diện tích ước 50.000m2 trong mặt bằng cảng Phú Định để xây dựng kho bãi chứa hàng hóa với đơn giá 20.000đ/m2, thời gian thu tiền theo điều 2.1 hợp đồng này quy định: Thời gian thu tiền được tính từ tháng thứ 7 đối với thuê đất để xây kho và từ tháng thứ 4 đối với đất thuê để làm bãi kể từ khi bàn giao mặt bằng. Tại điều 3.1 Hợp đồng này quy định trách nhiệm của CT CS TP.HCM là: Có trách nhiệm thi công hạ tầng hoàn chỉnh bao gồm: Hệ thống đường, cấp thoát nước, điện, hệ thống PCCC vòng ngoài, đạt độ cao san lấp theo thiết kế đường… đảm bảo phục vụ khai thác kho - bãi theo quy hoạch Cảng Phú Định đã được duyệt. Tại điều 4.2 quy định: Trách nhiệm của CT Việt Thăng Long là: Thanh toán tiền thuê mặt bằng đầy đủ và đúng thời hạn. Đến nay, CT Việt Thăng Long đã đầu tư 28 tỷ đồng tại Cảng Phú Định và chuẩn bị đầu tư thêm 8 tỷ nữa. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa hai bên đã tan vỡ bởi… nước triều lên và thiếu sự hợp tác với nhau. 

Theo Công văn số 259/CV-KD ngày 4-10-2013 của CT CS TPHCM cho đến ngày 30-9-2013 CT Việt Thăng Long đã nợ tiền thuê đất đến 1.041.600.000 đồng và từ đó đến nay cũng không chịu thanh toán. Theo CT CS TP.HCM, phía CT Việt Thăng Long đã vi phạm nghiêm trọng HĐKT số 17/11/HĐ-KB. Ngược lại, phía CT Việt Thăng Long lại cho rằng phía CT CS TP.HCM không thực hiện đúng cam kết, không thi công hạ tầng đảm bảo được phục vụ khai thác kho bãi, hiện nay mỗi khi triều lên nước ngập khu kho, không thể khai thác được. Vì những lý do đó, CT Việt Thăng Long không trả tiền thuê đất mà ngược lại yêu cầu CT CS TP.HCM đền bù thiệt hại.

Vấn đề cần trao đổi hiện nay là khi nước triều lên, bên nào phải chịu trách nhiệm và đây có là trường hợp bất khả kháng không?

Ý kiến bạn đọc 

Ý kiến của Công ty TNHH MTV Cảng sông TP Hồ Chí Minh

Việc xử lý môi trường và những ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của CT Việt Thăng Long, phía CT CS TP.HCM đã rất cố gắng. Riêng việc xử lý bụi, do Cảng Phú Định thiết kế với hệ thống đường có kết cấu đá thâm nhập nhựa nên không thể tránh được bụi. Hiện nay tại Cảng Phú Định có nhiều đối tác cùng hoạt động, CT Việt Thăng Long đã khảo sát, tìm hiểu và chấp nhận tình trạng này trước khi ký hợp đồng thuê, nay mới đưa ra những đòi hỏi phi lý là không chấp nhận được. Việc ngập nước xảy ra khi có hiện tượng mưa lớn kết hợp triều cường là do mặt nước ngày càng dâng cao (hậu quả của biến đổi khí hậu). Đây là trường hợp bất khả kháng. Đường Hồ Ngọc Lãm dẫn vào cảng cũng bị ngập. 

Nếu CT Việt Thăng Long vì bất cứ lý do nào không thanh toán tiền thuê đất, CT CS TP.HCM sẽ buộc phải thanh lý hợp đồng và các thủ tục pháp lý tiếp theo.

Ông Trân Hòa Lan (Tổng Giám đốc CT CS TP.HCM)


Ý kiến của Công ty TNHH Việt Thăng Long

Hiện tại, môi trường tại khu vực này ngoài mùi hôi nước mắm từ các kho nước mắm rất đậm đặc khắp khu cảng thì cơ sở hạ tầng đường dẫn vào khu vực các kho hàng cho đến nay chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy định HĐKT 17/11/HĐ-KB. Nền đường chưa tráng nhựa tạo rất nhiều bụi mỗi khi có gió lớn hay các ô tô chạy trên đường. Hiện nay, do CT CS TP.HCM cho thuê bãi kinh doanh cát xây dựng ngay bên cạnh và phía sau kho hàng nên các xe chở cát thường xuyên chạy 24/24 giờ, nên tạo ra màn khói bụi bao phủ kho, làm kho không thể khai thác lưu giữ các hàng hóa thực phẩm hoặc các hàng hóa đòi hỏi tinh khiết, sạch sẽ. 

Đặc biệt do cao độ mặt đường thấp hơn cao độ triều cường dẫn đến nước trong khu vực kho không thoát được. Với tình trạng này toàn bộ các kho hàng đã xây dựng không thể hoạt động. Bởi lý do đó, CT Việt Thăng Long tạm ngừng chuyển tiền cho CT CS TP.HCM. Quan điểm của CT Việt Thăng Long là nếu CT CS TP.HCM không đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện để CT Việt Thăng Long hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, CT Việt Thăng Long sẽ không trả tiền thuê đất và yêu cầu CT CS TP.HCM đền bù mọi thiệt hại. Theo nội dung HĐKT đã ký, CT Việt Thăng Long khẳng định không vi phạm nghĩa vụ tài chính khi các yêu cầu chính đáng của mình chưa được giải quyết.

CT Việt Thăng Long đã kiến nghị đưa vụ việc ra tòa án giải quyết.

Bà Đỗ Mỹ Linh (Giám đốc Công ty TNHH Kho vận Việt Thăng Long)


Bình luận của luật sư

Sau khi tìm hiểu kỹ hồ sơ vụ tranh chấp, chúng tôi nhận thấy đã có một tranh chấp trong việc thực hiện HĐKT số 17/11/HĐ-KB liên quan đến khái niệm trách nhiệm thực hiện hợp đồng và khái niệm bất khả kháng. 

Trong trách nhiệm thực hiện hợp đồng có phần CT CS TP.HCM phải đầu tư xây dựng hạ tầng, đảm bảo cho CT Việt Thăng Long phục vụ khai thác kho bãi, nhưng lại có thêm mấy chữ: theo quy hoạch xây dựng Cảng Phú Định đã được phê duyệt. Vì vậy về việc khu vực kho có nhiều bụi do 2 nguyên nhân: đường chưa tráng nhựa và việc cho thuê bãi kinh doanh cát, cần có sự xem xét cụ thể: Nếu theo đúng quy hoạch xây dựng cảng Phú Định, đường vận chuyển hàng hóa trong cảng chỉ là đường đá thì CT CS TP.HCM không phải chịu trách nhiệm làm đường nhựa. Tuy nhiên chúng tôi thấy khả năng này khó xảy ra. Không lẽ một cảng lớn với tổng đầu tư hàng nghìn tỷ mà đường nội cảng lại không tráng nhựa(?). Về việc công ty kinh doanh cát gây bụi bẩn môi trường khu vực, dù bất kỳ lý do nào, việc gây bụi do kinh doanh cát cũng là vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, trách nhiệm thuộc cơ quan chủ quản là CT CS TP.HCM phải đôn đốc đối tác kinh doanh cát đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường. 

Nhưng vấn đề chính là các sự việc liên quan tới mức triều cường tăng cao, gây ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Liệu đây có phải là nguyên nhân bất khả kháng không và xử lý hậu quả của việc này như thế nào? 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự thì “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Do đó, để được miễn trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, pháp luật dân sự đã có quy định cụ thể, chặt chẽ về những điều kiện để áp dụng “sự kiện bất khả kháng” khi giải quyết tranh chấp hợp đồng. Sự kiện bất khả kháng và hành vi vi phạm hợp đồng có mối quan hệ nhân quả. Trong đó, sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân, còn hành vi vi phạm là kết quả. Bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng phải chứng minh được sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp của việc vi phạm hợp đồng. Nếu không chứng minh được thì bên vi phạm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự. Nghĩa vụ chứng minh của bên vi phạm hợp đồng nhằm bảo đảm lợi ích cho bên có quyền, tránh trường hợp bên có nghĩa vụ lợi dụng sự kiện bất khả kháng để thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho bên có quyền. Các bên trong quan hệ hợp đồng đã dùng hết khả năng để khắc phục hậu quả nhưng không thể khắc phục được. Hợp đồng được giao kết bởi lợi ích mà các bên hướng tới, để bảo đảm cho lợi ích đó, các bên phải tận tâm, thiện chí thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Nếu bên có nghĩa vụ có khả năng khắc phục, hạn chế thiệt hại xảy ra mà lại không thực hiện, để mặc cho hậu quả xảy ra thì cho dù có sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm hợp đồng cũng không được miễn trừ trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng. Để được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng vì sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm hợp đồng phải chứng minh được mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng sẵn có để khắc phục hậu quả xảy ra mà vẫn không thể khắc phục được và do việc không khắc phục được đó mà dẫn đến vi phạm hợp đồng. Quy định này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của bên có nghĩa vụ trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. 

Pháp luật ghi nhận xảy ra sự kiện bất khả kháng thì không phải bồi thường. Việc miễn trách nhiệm này xuất phát từ nguyên lý công bằng, ai ở vào trong hoàn cảnh bất khả kháng cũng đều không ngăn chặn được. Nhưng việc áp dụng bất khả kháng sẽ dẫn đến thiệt hại của một bên không đòi được. Nhằm tránh việc trục lợi và bảo đảm trật tự của hợp đồng, việc áp dụng qui định về bất khả kháng được cơ quan xét xử tiến hành một cách cẩn trọng. Theo đó, tòa án/trọng tài sẽ xác định bản chất của hành vi này: Có phải là sự kiện không thể tiên liệu ? Các bên đã làm mọi cách mà không khắc phục được? Nếu thỏa mãn cả hai điều kiện đó, những thiệt hại về phía người nào, người đó phải chịu.

 Trong trường hợp này, biến đổi khí hậu, dẫn đến nước biển dâng đã có dự báo từ hàng chục năm trước, cho nên việc triều cường dâng cao đã được báo trước, không thể coi là bất khả kháng. Mặt khác, sự thiệt hại vì không kinh doanh được kho bãi do nước triều dâng có thể được khắc phục bằng cách tôn cao đường, xây bờ bao, bờ kè… Trong trường hợp này chúng tôi thấy phía CT CS TP.HCM chưa tiến hành các biện pháp khắc phục việc nước triều dâng chảy vào kho và không thoát nước được.

Tóm lại trong tranh chấp hợp đồng 17/11/HĐ-KB không áp dụng được các điều luật về bất khả kháng khi thực hiện hợp đồng kinh tế. 

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)