Thiết bị theo dõi hiện đại: Những hệ lụy khôn lường

ANTĐ - Điều 46 Luật Giao dịch điện tử đã quy định quyền bí mật đời tư của cá nhân, việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy vậy, tình trạng này vẫn bị lạm dụng.

“Thiết bị nghe trộm toàn cầu” được quảng cáo trên mạng


Không biết hay cố tình vi phạm?

Luật sư Võ Đình Hải- Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Ngoài khoản 2, điều 38 Bộ luật Dân sự  thì điều 125 Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Theo đó, người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1-5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Việc cài các thiết bị nghe nhìn, ghi âm vào các tài sản cá nhân của người khác mà không được sự đồng ý thì đó là hành vi xâm phạm tài sản và quyền quản lý sở hữu tài sản. Việc thu thập thông tin cá nhân của người khác mà những thông tin đó làm giảm uy tín và danh dự của cá nhân bị theo dõi thì hành vi trên là phạm pháp”.

Còn theo một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội mới chỉ phát hiện và thu giữ duy nhất một trường hợp buôn bán thiết bị nghe trộm vào giữa năm 2009, tại huyện Từ Liêm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có không ít công ty thám tử tư sau khi ký hợp đồng với khách hàng đã dùng thiết bị định vị GPS để nắm được nhất cử, nhất động của người bị theo dõi. Anh Nguyễn Văn Thắng, nhân viên một công ty thám tử tư trên địa bàn quận Đống Đa cho biết: “Sau khi ký hợp đồng với khách hàng, công ty chúng tôi sẽ cho khách hàng mượn thiết bị định vị GPS để gắn vào xe máy của người bị theo dõi. Bảo đảm người đó đi đến đâu, màn hình máy tính cũng báo một chấm đỏ đang di chuyển đến đâu. Hiện nay việc mua các thiết bị theo dõi không khó vì chúng được bán rất nhiều ngoài thị trường. Nhiều phụ nữ sẵn sàng bỏ ra khoản tiền không nhỏ để mua các thiết bị này chì vì muốn theo dõi xem chồng có chung thuỷ hay không...”. Mặc dù Nghị định số 59/2006/NĐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết luật thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện đã quy định các thiết bị nghe trộm thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, việc bày bán, sử dụng thiết bị này đều vi phạm pháp luật. 

Đánh đổi giá trị của lòng tin

“Thiết bị nghe trộm toàn cầu” được quảng cáo trên mạng

Mới đây, FollowUs - một công ty chuyên kinh doanh các thiết bị theo dõi và giám sát ở Anh đã tiến hành cuộc khảo sát trên quy mô lớn với sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia và các nhà tâm lý học hàng đầu nước Anh. Kết quả  cuộc khảo sát này đã khiến nhiều nam giới “sốc” khi họ biết rằng có tới 80% phụ nữ thường thuê thám tử tư hoặc mua máy nghe trộm để…theo dõi chồng. Sản phẩm mà những người phụ nữ đặt mua của công ty FollowUs chủ yếu là máy ghi âm, máy quay trộm tự động. Đây đều là những sản phẩm công nghệ cao và giá thành khá cao.  

Tiến sỹ, bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng thừa nhận, việc lắp đặt thiết bị theo dõi người khác bằng cách gắn chíp định vị hoặc quản lý qua phần mềm điện thoại là sự thiếu tôn trọng giữa con người với nhau. Tình yêu thương, sự tin tưởng luôn là điều quan trọng để gắn kết các mối quan hệ. Nếu vợ chồng phải lắp thiết bị định vị để theo dõi nhau, bố mẹ phải lắp đặt thiết bị định vị để quản lý con, sếp phải lắp đặt thiết bị nghe trộm để quản lý nhân viên,... thì lòng tin của con người sẽ không còn. Và khi đó, mọi người chỉ hành động, đối xử với nhau như một cách đối phó, thậm chí đóng kịch để thoát khỏi những tình huống không mong muốn. Hơn nữa, khi giữa con người với con người không còn yêu thương, tin tưởng nhau nữa thì việc theo dõi, nghe trộm hành động của người khác cũng không có ý nghĩa gì. 

Cũng theo ông Tuấn, không ít cặp vợ chồng khi chứng kiến cuộc tình vụng trộm của nhau khiến cả hai đều bị tổn thương nặng nề về tình cảm và tâm lý đã phải tìm đến trung tâm để được tư vấn giúp đỡ. Đối với các bà vợ, những khoảnh khắc khi chồng ân ái với người khác luôn ám ảnh mỗi khi vợ chồng gần gũi nhau sau này, mặc dù bản thân họ đã chấp nhận tha thứ cho lỗi lầm của chồng. Ngược lại, người chồng cũng thường khó khăn hơn trong việc chấp nhận vợ mình đã từng ngoại tình. Khi đó, tình cảm vợ chồng có thể bị sứt mẻ. Còn với trường hợp bố mẹ đặt thiết bị theo dõi con cái khi bị chúng phát hiện sẽ có tác dụng ngược.

Như vậy, trước khi quyết định theo dõi ai đó, mỗi người cần phải suy nghĩ cho thấu đáo mục đích việc làm và khả năng chịu đựng của những người có liên quan khi những bí mật đó được phơi bày. Nếu chỉ cần hiểu rõ động cơ hành động của người bị theo dõi thì điểm dừng thích hợp là thu thập đủ chứng cứ để giúp người đó nhận ra sai lầm và có hướng khắc phục. Các cá nhân cũng không nên lạm dụng thiết bị theo dõi, định vị vào mục đích cá nhân, tránh tình trạng  không những vừa mất tiền mà còn đẩy các mối quan hệ hiện tại đi vào ngõ cụt.