Thiết bị điện tử không thể là “bảo mẫu”

ANTĐ - Nhiều bố mẹ bận rộn, không có thời gian chơi với con nên đành giao cho chúng chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc thiết bị điện tử riêng trong đó có cài một số ứng dụng giáo dục dành cho trẻ em. Liệu đây có phải là cách tốt cho trí não trẻ? Điều này phụ thuộc vào ứng dụng đó là gì và sử dụng có hợp lý hay không.

“Tôi không nghĩ các bậc cha mẹ cần phải chuẩn bị riêng những ứng dụng cụ thể để tăng cường học tập cho con em mình”, Tiến sĩ Kate Highfield, chuyên gia nghiên cứu về giáo dục mầm non Đại học Macquarie ở Sydney, Australia nhấn mạnh. Theo nữ Tiến sỹ này, cũng có một số bằng chứng cho thấy các ứng dụng giúp trẻ tập đọc, khoa học, toán tốt hơn, đặc biệt là việc thực hành những kỹ năng cụ thể hoặc tạo cho chúng cơ hội tự giao tiếp theo cách mới. Tuy nhiên, không phải tất cả các ứng dụng bày bán trong các cửa hàng về thiết bị giáo dục đều hiệu quả.

Theo khảo sát của chuyên gia Kate Highfield và các đồng nghiệp, khoảng 85% thiết kế phục vụ giáo dục trẻ em Australia hiện nay khuyến khích kỹ năng tư duy rất cơ bản hoặc ở mức độ thấp. Đây có thể là cách thú vị cho con bạn khi thực hành một kỹ năng cụ thể như nhận diện các chữ cái nhưng những ứng dụng kiểu này không thúc đẩy suy nghĩ ở yêu cầu cao hơn, mà đó mới chỉ là lợi ích của việc mở mang tư duy. Do phải đúng khuôn mẫu nên cách học kiểu này không thể giúp trẻ giao tiếp, phản biện hoặc sáng tạo. 

Ngoài ra, thời gian cho trẻ gắn bó với màn hình cũng rất quan trọng. Các nhà nghiên cứu cho hay, trẻ nhỏ hiện giờ trung bình ngồi trước màn hình ít nhất 3 tiếng mỗi ngày, bao gồm cả thời gian xem tivi. Trong khi đó, theo khuyến cao, trẻ trên 2 tuổi chỉ nên cho tiếp xúc nhiều nhất là 1-2 tiếng, còn trẻ dưới 2 tuổi thì Học viện Nhi khoa Mỹ khuyên rằng tốt nhất không cho xem. “Nếu sử dụng màn hình, nên vận dụng khả năng tốt nhất của chúng chứ không phải là để trẻ một mình, biến các thiết bị kỹ thuật số thành “người trông trẻ”, Tiến sỹ Highfield nói.

Vì thế, quan trọng không kém là cha mẹ phải “cùng chơi” hoặc tương tác với con càng nhiều càng tốt. Họ cần phải biết con họ đang chơi gì, học cách chơi với chúng. Hãy giúp con bạn cân bằng học tập giữa thế giới ảo và môi trường thực, vì quá nhiều thời gian dành cho thế giới kỹ thuật số sẽ có hại cho sự phát triển của một đứa trẻ.

Nếu thực sự muốn con phát triển cân đối, hãy mở mang kiến thức, khả năng học tập của con một cách tự nhiên. Đọc sách cùng con, cho con tham gia vào một trò chơi điện tử phiêu lưu thú vị, có rất nhiều cách, nhưng nhớ là đừng để cho trẻ lúc nào cũng kè kè màn hình điện tử bên người.

7 dấu hiệu trẻ “nghiện” iPad

Thiết bị điện tử không thể là “bảo mẫu” ảnh 1


Phản ứng khi bị “tịch thu”: Nếu con quý vị cáu kỉnh, lo âu hay buồn nản sau khi bị “tịch thu” iPad, có thể trẻ đã lệ thuộc vào thiết bị này một cách thái quá.
Thỏa hiệp: Cũng giống như người “nghiện heroin” lúc nào cũng thèm tăng liều hơn, trẻ sử dụng iPad ban đầu rất thích nó 10 phút nhưng giờ có thể đắm chìm cả 2-3 tiếng đồng hồ.

Mất hứng thú: Nếu đứa trẻ từng thích đá bóng, leo trèo, chơi với chúng bạn nhưng giờ không còn quan tâm nữa, tất cả đã bị màn hình lấn át, đó là dấu hiệu có vấn đề.

Thiếu kiểm soát: Mặc dù một em bé 4 tuổi không biết tự kiểm soát nhưng hẳn là trẻ có vấn đề về “nghiện” điện tử nếu không lần nào bố mẹ cất iPad đi là không phải nổi nóng, nạt nộ con.

Lừa dối. Có trẻ sẽ chui dưới gầm bàn hoặc nấp vào trong chăn để chơi trò chơi yêu thích của mình. Cảnh giác với dấu hiệu này khi trẻ nói dối hoặc có hành vi lừa dối để có nhiều thời gian dùng iPad hơn.

Không chịu đối mặt. Trẻ sử dụng iPad để không phải đối mặt với buồn, căng thẳng hoặc những cảm xúc tiêu cực có thể là vấn đề. Ví dụ, nếu con bạn luôn lấy iPad sau khi cãi nhau với anh chị hoặc cha mẹ, trẻ có thể dùng iPad để tự giải quyết cảm xúc tiêu cực của mình.

Bỏ lỡ nhiều cơ hội. Không giao tiếp, học sút, uể oải trong mọi hoạt động đều là dấu hiệu của “nghiện” iPad. 

Ở trẻ nhỏ, hầu hết các triệu chứng của “nghiện” iPad có thể sớm kết thúc nếu cha mẹ thiết lập giới hạn sử dụng cho con cái. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu 3 tuổi mà “thói nghiện” này không thể can thiệp được thì đến tuổi thiếu niên việc kiểm soát được chỉ là may mắn.